Dạy trực tuyến môn văn và ngoại ngữ thế nào để không "ru ngủ" học sinh?

P.V-Thứ ba, ngày 05/10/2021 18:41 GMT+7

Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy môn Văn tại Hội thảo

VTV.vn - Không còn là những tiết học ru ngủ, những lần ngồi dò công thức ngữ pháp buồn chán, với cách dạy năng động của giáo viên, những tiết học trực tuyến trở nên sinh động.

Với chủ đề "Kinh nghiệm dạy trực tuyến môn Văn và Ngoại ngữ" trong khuôn khổ Hội thảo "Bí quyết nâng cao hiệu quả giảng dạy trực tuyến thời 4.0" đã thu hút 187 người tham dự qua zoom và hơn 8000 người xem trực tiếp qua fanpage. Hai giáo viên chủ trì là cô Trịnh Thu Tuyết, giáo viên ngữ văn đang giảng dạy trực tuyến ở Hocmai.vn và cô Hà Ánh Phượng, giáo viên tiếng Anh ở Phú Thọ.

Cô Trịnh Thu Tuyết cho rằng một trong những vấn đề lớn của việc dạy ngữ văn trực tuyến đó chính là sự lạm dụng ưu thế của hình thái trực tuyến, trong đó có sự trình chiếu nội dung bài học lên màn hình cho học sinh chép thay vì vừa viết vừa giảng. "Dạy văn là đưa các em đến với nghệ thuật ngôn từ, vì thế cần phải có ngôn ngữ nghệ thuật giao tiếp giữa thầy cô và các học sinh. Bản thân tôi khi dạy trực tiếp không bao giờ rời bàn phấn, tất cả phải có trực quan ngôn ngữ, viết và nói, giúp các em theo dõi ngôn ngữ, khái niệm, biểu cảm… để có thể tiếp thu phần văn chương. Giờ chỉ cần nhấn chuột, các bảng trình chiếu hiện lên dày đặc chữ, các em chép", cô Tuyết nói.

Cô kể câu chuyện có em không chép, chụp luôn màn hình. Về nhà có khi không xem lại, không xếp vào album học, để lộn xộn giữa các hình khác, vì thế khi cô kiểm tra bài, em đưa ra các ảnh đã chụp, giữa đoạn phân tích "dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm" lại có tấm ảnh selfie của chính em. Cách ấy khiến các em rất khó tiếp thu. Thay vì đưa bảng trình chiếu cô Tuyết thường sử dụng các màn hình Word gõ chữ và giảng cho các em. Với cô Tuyết, ở việc dạy môn Ngữ Văn, "công nghệ chỉ là phương tiện giúp cho việc truyền thụ tốt hơn, sinh động hơn chứ không phải phương tiện của nội dung, thay thế cho nội dung giảng dạy được".

Trong khi đó, cô Hà Ánh Phượng cho biết, cô tham gia nhiều diễn đàn, nhóm về công nghệ giảng dạy để cập nhật được các ứng dụng mới nhất nhằm áp dụng cho học sinh của mình. Ngay trên lớp, để tăng cường sự tương tác, tránh các học sinh thụ động khi học, cô Phượng tổ chức nhiều hoạt động như quay bánh xe có tên học sinh để gọi trả bài, biến nội dung thành trò chơi, như các vấn đề ngữ pháp tiếng Anh có thể biến thành trò chơi trên ứng dụng Kahoot, cho các lớp đấu với nhau. Cô dùng nhiều phần mềm trong cả việc dạy và kiểm tra, như ứng dụng Quizlet giúp học sinh ôn từ, dùng Flipgrid video để dạy cách phát âm và dùng máy chấm điểm môn đọc thay vì phải tự nghe video các em gửi về và chấm. "Máy chấm chính xác và công bằng hơn mình. Trong lớp tôi, có em học sinh chỉ đọc đúng có 7 từ trong đoạn văn ngắn, có máy chấm và sửa cho các em, các em ý thức sửa hơn", cô nói.

Ở môn viết, cô Phương cho học sinh viết trên ứng dụng Padlet, theo các chủ đề cô giáo chọn, và cô dùng ứng dụng Mote hỗ trợ chèn giọng nói vào bài viết, ngay tại những chỗ sai, chưa chính xác. Học sinh chỉ cần vào bài viết, nhấn vào những chỗ ấy để nghe cô giáo nhận xét. Cô Phượng dạy tại Phú Thọ, trong ngôi trường phần lớn là các em dân tộc Mường.

Ở cả hai cách tiếp cận công nghệ trong giảng dạy trực tuyến của hai cô, dù có thể ít nhiều không đồng nhất nhưng đều cùng hướng đến sự tiếp thu kiến thức dễ dàng và sâu đậm của học sinh ở bộ môn các cô giảng dạy.

"Lớp học không biên giới"

Đó là thuật ngữ tự đặt cho các lớp học mình dạy của cô Phượng, với cô "khi lớp học được mở rộng, kết nối, vượt qua khỏi các bức tường cố định lớp, dù là kết nối với trường bạn bên cạnh, trường ở một tỉnh xa, hay một lớp ở quốc gia khác, đó đã là lớp học không biên giới". Cô Phượng giáo viên tiên phong trong việc kết nối lớp mình đang học với các lớp học ngang cấp ở các quốc gia nói tiếng Anh, tìm kiếm các chuyên gia nước ngoài để giảng dạy cho học sinh bằng tiếng Anh các vấn đề cụ thể.

"Tôi tìm kiếm các giáo viên nước nói tiếng Anh qua các cộng đồng phát triển chuyên môn, như cộng đồng giáo viên ở các quốc gia khác, và phải lựa chọn một cách thông minh nhất để đảm bảo các em học sinh được dạy đúng. Tất nhiên còn phải miễn phí", cô nói. Lớp cô hiện nay có 39 bạn học sinh, được kết nối với một lớp đồng cấp, đồng số lượng ở Singapore, Philipines. Các học sinh sẽ ghép đôi với một bạn quốc gia khác, cùng nhau trò chuyện trong vòng 3 tháng, kể cả các học sinh yếu cũng phải trò chuyện và làm báo cáo tiếp thu, các em có thể nhờ Google dịch hoặc cô giáo góp ý.

Ở hoạt động này, cô Phượng chọn các quốc gia Đông Nam Á vì gần múi giờ, có thể hoạt động cùng nhau được. Với các nước có tiếng Anh bản xứ sẽ là mời chuyên gia trò chuyện về các hoạt động cụ thể như bảo vệ môi trường, hỏi đáp văn hóa quốc gia, thực hiện các môn dự án phỏng vấn… Với hoạt động du lịch ảo, bình thường cô Phượng cùng các học trò có thể giới thiệu các địa điểm trong vùng cho các bạn nước ngoài qua hình thức livestream. Thời dịch, các học sinh của cô sẽ được các bạn nước ngoài đã kết nối hướng dẫn du lịch ngược lại. Cách làm này có thể áp dụng tốt cho các môn lịch sử hay địa lý.

Với cách mở rộng không gian lớp học ấy, các em học sinh của cô Phượng có thêm động lực học để hiểu biết, thay vì chỉ học "đủ thi tốt nghiệp", "học cho qua môn".

Cô Tuyết thì cho biết, khi cô giảng dạy, cô thường chọn lựa các hình ảnh, âm nhạc và thậm chí phim, liên quan đến tác phẩm đang học để trình chiếu cho các em. Một hình ảnh thôi, có khi đã làm dậy nên cảm xúc và sự thông hiểu tác phẩm. Cô Tuyết kể khi dạy về tác phẩm "Rừng Xà Nu", cô rất thích hình ảnh cây mọc nhanh nhất rừng, vươn đến ánh sáng, đến khi cô có thể bước vào rừng xà nu, nằm xuống thảm lá và chụp lên những ngọn cây, cô mới biết hình ảnh ấy không những đẹp mà còn đúng. Tấm ảnh ấy cô vẫn thường đem trình chiếu cho học trò. Dạy về một bài thơ Đường, với hình ảnh tháng ba hoa khói chảy xuống Dương Châu, cô tìm được một tấm bản đồ dòng Trường Giang cổ. Tấm bản đồ ấy cho thấy rõ độ dốc của dòng sông, thấy những địa danh trong bài thơ. Nhìn vào đấy, học sinh có thể hình dung không chỉ vượt ra khỏi văn bản để đi đến không gian thơ ấy mà còn ngược được cả thời gian về khi tác phẩm ra đời.

Ở cách nhìn đó, dạy học trực tuyến, chính là một lợi thế, để lớp học mở ra đến vô cùng. Một lớp học vừa địa phương vừa mang tính toàn cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước