Cụ thể, hình thức thứ nhất: Dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp, hình thức thứ hai: Dạy học trực tuyến thay thế một phần quá trình dạy học trực tiếp; và cuối cùng là: Dạy học trực tuyến thay thế hoàn toàn quá trình dạy học trực tiếp khi học sinh không thể đến trường. Dự thảo này ngay lập tức đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cán bộ quản lý và giáo viên.
Đề phòng cho tình huống xấu nhất khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, từ đầu tháng 8, có trường học liên tục tổ chức các khoá bồi dưỡng nghiệp vụ dạy trực tuyến cho các giáo viên. Thực tiễn từ những thuận lợi lẫn khó khăn khi tổ chức hình thức dạy học này trong bối cảnh dịch COVID-19 hồi đầu năm đã cho thấy nhu cầu bức thiết của các nhà trường về việc phải có hành lang pháp lý cụ thể.
Tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh từ đầu mùa dịch, đến nay, nhiều trường tư thục tại Hà Nội đã dần hoàn thiện quy trình tổ chức dạy học theo hình thức này. Dịp cuối năm học vừa qua, việc dạy học trực tuyến vẫn tiếp tục được các nhà trường triển khai để hỗ trợ học sinh ôn tập cao điểm hay tham gia các kỳ thi chọn học sinh giỏi. Thế nên, nếu dự thảo có hiệu lực thực tế, nhiều trường sẵn sàng chọn hình thức thứ 2 là: Dạy học trực tuyến thay thế một phần quá trình dạy học trực tiếp.
Trong khi nhiều trường học tại các thành phố nhận ra triển vọng tổ chức thành công hình thức học tập mới thì các trường học tại vùng sâu vùng xa lại nhìn thấy những khó khăn và áp lực.
Từng nỗ lực triển khai học trực tuyến thời gian trước nhưng nhiều thầy cô vẫn chưa quên cảnh khó khăn vất vả, khi vừa dạy qua các ứng dụng vừa vẫn phải lặn lội tới từng nhà học sinh không phương tiện học tập để chuyển tải nội dung bài giảng. Nhất trí với các nội dung của dự thảo nhưng nhiều nhà trường vẫn cho rằng: cần có sự linh hoạt trong vận dụng giữa vùng, miền để hình thức mới không tạo hiệu ứng ngược khi đẩy xa khoảng cách chênh lệch chất lượng giáo dục giữa các địa phương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!