Đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ không tập trung vào số lượng mà là chất lượng
Nói về lý do Bộ GD&ĐT xây dựng đề án đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ với kinh phí 12.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay do tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở nước ta hiện nay khoảng 21%, tức là ở mức thấp, nên phải nâng tỷ lệ này lên. Mục tiêu của Đề án 911 là phải đạt 35%. Thậm chí, với 9.000 tiến sĩ như trong Đề án này cũng mới đạt 30%.
Bên cạnh đó, số lượng 9.000 tiến sĩ này theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ không phải là đào tạo mới và Đề án này cũng không phải là Đề án mới. "Đây là Đề án chỉnh sửa, nâng cao chất lượng từ Đề án 911, trong đó tập trung vào việc thu hút các tiến sĩ đã đào tạo ở nước ngoài. Cùng với đó, cơ chế, chính sách làm sao để cho các tiến sĩ làm việc tốt, đặc biệt là với các tiến sĩ kiêm nhiệm. Chúng ta phải tạo điều kiện cho các nhà khoa học về các trường Đại học để cống hiến", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: "Đề án này không tập trung vào số lượng mà tập trung vào chất lượng để làm sao đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, chứ không phải đào tạo tràn lan".
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ
Chia sẻ về việc thu hút người học sau khi được học bổng đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài trở về nước làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay điều quan trọng là đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng. Người sử dụng lao động có nhu cầu tuyển dụng, cử người đi học, thay vì cứ đào tạo ồ ạt rồi tiến sĩ tự đi tìm việc.
Các cơ sở đào tạo phải có trách nhiệm, chủ động để quy hoạch và phát triển đội ngũ, trong đó có đội ngũ giảng viên. Căn cứ vào đó, Bộ GD&ĐT đã hỗ trợ bằng cơ chế chính sách.
Đổi mới cơ chế quản lý đào tạo về tiến sĩ trong đề án mới rất khác với cách làm truyền thống. Tổng số tiền không thay đổi, thậm chí trong số tiền đã được Quốc hội phê duyệt chi, không nhất thiết phải sử dụng hết mà phải căn cứ vào chất lượng đào tạo, nếu không sử dụng hết sẽ trả lại Nhà nước.
Bộ trưởng Nhạ khẳng định: "Quan trọng nhất là chất lượng đào tạo. Trong Đề án này rất chú trọng đề cao trách nhiệm của cơ sở đào tạo và người học. Còn vai trò của Bộ GD&ĐT là đưa ra cơ chế chính sách và đề xuất định mức, để làm sao định mức đề ra không quá chênh với định mức chung của các nước và khuyến khích người giỏi đăng ký đi học".
Trong thời gian qua, việc đào tạo tiến sĩ trong nước thời gian qua còn nhiều tồn tại. Nhiều ý kiến băn khoăn việc Bộ GD&ĐT sẽ kiểm soát chất lượng ra sao khi đặt ra mục tiêu đào tạo 9.000 tiến sĩ.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ GD&ĐT đã ban hành quy chế đào tạo tiến sĩ với yêu cầu cao hơn, ví dụ như người học phải có thời gian học tập trung, có bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế… và đang siết chặt việc này thông qua việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên. Lúc đầu, nhiều cơ sở đào tạo cũng rất lo ngại nhưng cũng phải chấp nhận.
Bên cạnh đó, cách tiếp cận của Đề án này là Nhà nước định hướng và hỗ trợ chứ không làm thay. Còn các cơ sở giáo dục đào tạo và bản thân người đi học phải có trách nhiệm, đảm bảo chất lượng. Nếu người đi học đáp ứng được các tiêu chuẩn, yêu cầu sẽ được Nhà nước cấp học bổng, có thể toàn phần, có thể một phần, qua đó, mở rộng đối tượng, mọi người đều có thể tham gia, không phân biệt công lập hay tư thục.
Kinh phí 12.000 tỷ đồng là học bổng, dành cho chính người học
Hiện tại, kinh phí đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam rất thấp, trong khi kinh phí đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài rất cao. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, cần phải điều chỉnh định mức kinh phí đào tạo tiến sĩ trong nước. "Đành rằng người đi học tiến sĩ là tính đến lợi ích sau này và phải hoàn thành trách nhiệm nhưng những người giỏi thì lại có rất nhiều cơ hội có học bổng. Chúng ta muốn những người giỏi đi học tiến sĩ và Nhà nước đứng ra để hỗ trợ thì cũng phải tính toán mức kinh phí cho phù hợp. Dĩ nhiên, có thể mức hỗ trợ không bằng các học bổng khác nhưng cũng phải đáp ứng yêu cầu đào tạo và tính đến điều kiện phát triển cho người học".
Bộ GD&ĐT đã làm việc với Bộ Tài chính và sẽ tính toán làm sao để suất đào tạo tiến sĩ phù hợp với từng vùng, từng miền. Tuy nhiên, theo tôi, hiện nay chúng ta có nhiều cơ sở đào tạo rất tốt, do vậy nên khuyến khích liên kết với nước ngoài để cùng đào tạo, cùng hướng dẫn, không nhất thiết phải gửi tất cả ra nước ngoài.
Cũng theo vị Tư lệnh ngành Giáo dục, kinh phí 12.000 tỷ đồng không "rót" về bất cứ cơ sở nào mà dành cho những người trực tiếp đáp ứng được các tiêu chuẩn để được nhận học bổng. "Số tiền này là dạng học bổng, ai nhận được thì được hưởng, chứ không phải chia tiền "rót" về địa phương, "rót" về các cơ sở đào tạo", Bộ trưởng Nhạ nói.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!