Đề cơ bản theo chương trình THCS, các câu hỏi đa dạng
Thầy Nguyễn Danh Chiến - Hiệu trưởng trường THPT Cao Bá Quát (Hà Nội), đồng thời là giáo viên bộ môn Tiếng Anh nhận định: "Đây là một đề thi có nhiều "món", dạng câu hỏi trong đề giống đề thi THPT Quốc gia những năm trước đây với lời dẫn rất quen thuộc".
Thầy Nguyễn Danh Chiến - Hiệu trưởng trường THPT Cao Bá Quát, giáo viên Tiếng Anh
Các câu hỏi tập trung trong chương trình THCS, số câu hỏi mang tính thách đố rất ít. Học sinh nắm chắc kiến thức và kỹ năng cơ bản của chương trình tiếng Anh THCS có thể làm tốt bài thi. Đặc biệt, đề không yêu cầu viết đoạn văn nên sẽ là thuận lợi cho rất nhiều học sinh yếu về kỹ năng sản sinh ngôn ngữ.
Với 40 câu hỏi, trong đó có 32 câu trắc nghiệm và 8 câu tự luận, đề minh họa gồm các nội dung: Phát âm, Ngữ pháp, Từ vựng, Tình huống giao tiếp, Đọc hiểu và Viết câu. Số lượng câu hỏi liên quan đến ngữ pháp (đơn lẻ, trong đoạn văn điền từ, vận dụng viết câu) chiếm tỷ lệ tương đương 50%, trong khi số lượng câu về từ vựng ít.
Đề thi yêu cầu học sinh phải nắm chắc các quy tắc phát âm (nguyên âm, phụ âm), các kiến thức ngữ pháp cơ bản, lời đáp trong tình huống giao tiếp thông thường, vốn từ vựng rộng, kỹ năng sử dụng nghĩa từ vựng và nghĩa ngữ pháp để điền từ trong đoạn văn, kỹ năng đọc hiểu đoạn văn ngắn để trả lời câu hỏi và viết lại câu/kết hợp câu.
Đặc biệt, đề thi đòi hỏi học sinh đáp ứng 3 mức độ nhận thức: Nhận biết - Thông hiểu - Vận dụng ở mức độ thấp. Số lượng câu hỏi yêu cầu học sinh cần đạt được mức độ vận dụng cao chiếm 15%, chủ yếu dành cho các bạn mong muốn đạt được điểm 9 - 10. Có thể phân chia cụ thể như sau:
Như vậy, nếu xét trên mục tiêu của việc điều chỉnh phương án thi là giúp cải thiện tình trạng môn chính, môn phụ, tránh tình trạng học lệch, học tủ thì đề như vậy là phù hợp và không gây sốc đối với học sinh.
Học sinh cần học thế nào để thi tốt?
Tương tự môn Toán và Ngữ Văn, môn Tiếng Anh được xác định là môn chắc chắn xuất hiện trong kì thi vào 10 sắp tới. Đặc biệt, tỷ lệ câu hỏi trắc nghiệm cao nên học sinh một mặt cần nắm chắc kiến thức để phân biệt câu đúng/sai và mặt khác cũng cần rèn kỹ thuật làm bài trắc nghiệm. Nếu nắm vững kiến thức cơ bản, các học sinh có thể làm bài tự tin và không phải lo lắng nhiều.
Kiến thức và kỹ năng tập trung chủ yếu vào lớp 8, 9 nên việc ôn tập sẽ dễ dàng. Tuy nhiên, những học sinh có học lực trung bình hoặc yếu tiếng Anh rất cần quyết tâm, có phương pháp học tập khoa học để giảm căng thẳng và mang lại hiệu quả cao.
Thầy Nguyễn Danh Chiến đưa ra lời khuyên: "Học sinh cần dành một vài tuần ôn tập lại kiến thức lớp 6, 7, 8; sau đó tập trung nhiều cho chương trình lớp 9. Trước khi đến lớp, các em cần chuẩn bị tốt bài ở nhà, đọc kỹ sách giáo khoa và làm bài tập. Trên lớp chú ý nghe hướng dẫn, tích cực luyện tập và phối hợp học cùng bạn bè sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái và hiệu quả".
Có thể coi đây là đề 'tập dượt' cho kì thi vào 10 thực sự. Từ đó, học sinh lớp 9 sẽ có định hướng điều chỉnh phương pháp học tập đúng đắn. "Điều quan trọng là các em không phải lo lắng bởi nội dung kiến thức và kỹ năng không nằm ngoài những gì được học tại trường" - thầy Chiến nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!