Đề không đánh đố, thí sinh dễ dàng đạt điểm khá
Nhận định về đề thi minh họa môn Sinh học vào 10 tại Hà Nội do Sở GD&ĐT Hà Nội công bố chiều 31/10/2018, Thạc sĩ Dương Thu Hà - giáo viên môn Sinh học - cho biết 80% câu hỏi trong đề thuộc chương trình lớp 9, đề không đánh đố thí sinh nên các em dễ dàng đạt điểm khá.
Thạc sĩ Dương Thu Hà - Giáo viên môn Sinh học
"Đề thi tham khảo không đánh đố thí sinh, trong đó 80% câu hỏi thuộc chương trình lớp 9 và phủ đều kiến thức của các chương, các phần. Còn lại 20% câu hỏi thuộc lớp 8, chỉ tập trung vào 4 chương là tiêu hóa, tuần hoàn, hô hấp và thần kinh. Câu hỏi không sắp xếp theo thứ tự mức độ nhận thức. Câu hỏi thực tiễn chiếm 10% đề thi. Tuy nhiên, những kiến thức thực tiễn này đều có trong SGK nên nếu học tập nghiêm túc và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì các em dễ dàng đạt điểm khá trở lên" - Cô Dương Thu Hà cho biết.
Thí sinh không nên chủ quan với đề thi môn Sinh học
Cô Thu Hà cũng lưu ý các thí sinh không nên chủ quan với đề thi này bởi trong cấu trúc đề cũng có những câu hỏi vận dụng và vận dụng cao chủ yếu thuộc kiến thức lớp 9. Những câu hỏi này thường là bài tập, thuộc về chuyên đề di truyền và biến dị.
"Đây là chuyên đề có số lượng câu hỏi nhiều nhất trong đề thi, chiếm đến 55%. Có thể do đây là cơ sở cho phần di truyền học có khối lượng kiến thức lớn ở bậc THPT nên câu hỏi trong đề thi chiếm phần lớn dạng kiến thức này" - cô Hà lưu ý.
Trong quá trình học và ôn thi, thí sinh cần bám sát sách giáo khoa
Bằng kinh nghiệm của mình, cô Dương Thu Hà cho biết các câu hỏi trong đề thi chủ yếu là kiến thức cơ bản và bám sát chương trình trong SGK. Do vậy, trong quá trình học và ôn thi, thí sinh cần bám sát SGK thay vì học sách nâng cao vì kiến thức khó và chỉ dành cho thí sinh có nguyện vọng thi chuyên.
Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần có kỹ năng và "mẹo" làm bài thi để đạt được điểm cao như mong muốn. Cô Hà gợi ý: "Khi làm bài thi, các em cần đọc hết câu hỏi cũng như tất cả các đáp án rồi mới đưa ra lựa chọn. Tránh tình trạng đọc không hết đề, đọc lướt và vội vàng chọn ngay đáp án đầu tiên khi nghĩ nó đúng mà bỏ qua những đáp án còn lại vì có thể đáp án đúng nằm ở cuối. Đây là một trong những sai lầm căn bản mà các thí sinh khi làm bài thi trắc nghiệm hay mắc phải. Do vậy, các em cần phải đặc biệt lưu ý điều này. Theo tôi, cách duy nhất để các em tránh mắc sai lầm này là hãy luyện tập thật nhiều và trong quá trình làm các em sẽ tự rút ra kinh nghiệm cho mình, vừa tích lũy luôn kiến thức".
Cũng theo cô Dương Thu Hà, việc chuyển từ hình thức thi tự luận sang trắc nghiệm, trong năm đầu tiên, sẽ khiến thí sinh "bối rối" trong quá trình học ôn và khi làm bài thi. Do vậy, các em cần phải thay đổi phương pháp học cho phù hợp để đáp ứng được yêu cầu của đề thi. Đặc biệt là rèn phản xạ làm bài vì số lượng câu hỏi và thời gian làm bài thi trắc nghiệm sẽ khác hoàn toàn so với bài thi tự luận. Do vậy, đòi hỏi thí sinh phải nhanh, nhạy bén trong tư duy khi làm bài thi thì mới đạt điểm cao như mong muốn.
Thạc sĩ Dương Thu Hà cho rằng hình thức thi trắc nghiệm đối với tuyển sinh vào lớp 10 sẽ giúp các thí sinh làm quen dần, coi như đó là một sự chuẩn bị sớm cho kì thi THPT Quốc gia sau này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!