Để xét tuyển đại học sớm công bằng và chất lượng

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 24/08/2024 10:06 GMT+7

VTV.vn - Xét tuyển sớm đang bộc lộ một số băn khoăn, lo ngại về tính công bằng nhưng phương thức này có gây ảnh hưởng tiêu cực đến giáo dục phổ thông?

Hiện số lượng thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Nhưng nhờ xét tuyển sớm mà tăng cơ hội trúng tuyển nên xuất hiện xu hướng đổ xô đi học và thi các chứng chỉ quốc tế như SAT, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS.

Ngay lúc này, nhiều ý kiến lo ngại thí sinh trúng tuyển sớm sẽ lơ là trong học kỳ 2 lớp 12 và kỳ thi tốt nghiệp THPT. Như vậy, việc các trường đại học xét tuyển sớm có tác động tiêu cực đến giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối. Năm ngoái, so sánh điểm thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp 3 môn, thí sinh trúng tuyển sớm bằng xét học bạ có điểm trung bình khoảng 20 điểm. Còn thí sinh trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT là trên 23 điểm.

Băn khoăn về xét tuyển sớm

Các trường đang có khoảng 20 phương thức xét tuyển sớm, hay còn gọi là xét tuyển kết hợp, xét tuyển có điều kiện. Các thí sinh chưa học hết lớp 12 có thể đã biết mình đỗ đại học. Như vậy phần nào giảm đi áp lực thi cử. Các trường đại học, cao đẳng thì chủ động hơn trong tuyển sinh.

Tuy nhiên, quá trình tuyển sinh này cũng đang bộc lộ một số băn khoăn, lo ngại về tính công bằng. Và liệu xét tuyển sớm có gây ảnh hưởng tiêu cực đến giáo dục phổ thông?

Xem xét sửa quy chế xét tuyển sớm

Trước thực tế xét tuyển sớm đang bộc lộ một số mặt trái và có hiện tượng thiếu công bằng, Bộ GD&ĐT đang xem xét sửa quy chế, điều chỉnh quy định về xét tuyển sớm từ năm sau.

"Các trường đại học có quyền tự chủ cao trong tuyển sinh nhưng không có nghĩa thích làm gì thì làm mà tự chủ trong khuôn khổ quy định". Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại hội nghị giáo dục đại học 2024 vừa diễn ra tuần qua. Theo đó, Vụ Giáo dục đại học phối hợp với các đơn vị khẩn trương ban hành dự thảo phương án tuyển sinh 2025. Trong đó làm sao đơn giản hóa, đảm bảo chất lượng cũng như công bằng cho thí sinh.

Thống kê của Bộ GD&ĐT trong năm ngoái: 214 trong tổng số 322 cơ sở đào tạo công bố xét tuyển sớm. Trong hơn 375.500 thí sinh trúng tuyển xét tuyển sớm, chỉ có hơn 147.000 trường hợp đăng ký nguyện vọng 1 trúng tuyển sau lọc ảo. Có nghĩa là chưa đến 40% trường hợp quyết định nhập học bằng phương thức này.

Nhiều trường ĐH thừa nhận hiệu quả của xét tuyển sớm rất thấp. Như Trường ĐH Công thương TP.Hồ Chí Minh: khoảng 20 - 25% thí sinh đã trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm vào trường đăng ký làm nguyện vọng 1 để trúng tuyển chính thức. Trường ĐH Đà Lạt là 16%, Trường ĐH Văn Lang là gần 30%.

Để xét tuyển sớm công bằng và chất lượng

Ngay tại hội nghị giáo dục đại học vừa qua, đại diện một trường nêu ý kiến bỏ xét tuyển sớm, đưa về 1 kỳ xét tuyển chung. Nhưng việc thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển và cơ sở đào tạo chủ động hơn trong tuyển sinh là những lợi ích thực tế mà xét tuyển sớm mang lại.

Trong lúc chờ đợi Bộ GD&ĐT điều chỉnh quy chế tuyển sinh từ năm 2025, các trường ĐH và nhiều chuyên gia đã kiến nghị các giải pháp để tăng cường chất lượng và đảm bảo tính khách quan, công bằng cho xét tuyển sớm.

Trong phương án tuyển sinh những năm gần đây, trường ĐH Giáo dục ít sử dụng xét tuyển sớm, không xét tuyển bằng học bạ. Đa số chỉ tiêu dành cho xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT

Để đảm bảo khách quan và không ảnh hưởng tới giáo dục phổ thông, theo GS Nguyễn Viết Thanh, cần điều chỉnh thời gian công bố kết quả xét tuyển.

Cũng tại hội nghị giáo dục đại học vừa qua, chính đại diện 1 số trường đại học kiến nghị Bộ GD&ĐT điều chỉnh thành 1 đợt xét tuyển chính thức, giúp quy trình tuyển sinh đơn giản và minh bạch hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước