Đếm ngược chờ kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội

Khánh Nguyễn-Thứ ba, ngày 04/06/2024 13:13 GMT+7

VTV.vn - Cạnh tranh vào lớp 10 năm nào cũng khốc liệt, áp lực đè nặng lên vai học sinh, khiến phụ huynh cũng căng thẳng, lo lắng không kém.

Chuẩn bị tốt cho kỳ tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội

Với gần 120.000 thí sinh, Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng học sinh lớp 9 tham gia dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm nay. Sáng 4/6, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức hội nghị hướng dẫn coi thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT với sự tham gia của tất cả các trưởng điểm thi trên toàn thành phố, quán triệt khâu chuẩn bị nhân lực và cơ sở vật chất cho nhiệm vụ lần này.

Các trưởng điểm thi đã nhận hồ sơ, danh sách thí sinh và nghe phổ biến các nguyên tắc trông coi thi và đảm bảo an toàn trong suốt quá trình kỳ thi diễn ra.Năm nay, Hà Nội đã thành lập 201 điểm thi với hơn 4.300 phòng thi chính thức, hơn 400 phòng thi dự phòng đặt tại các trường THCS, THPT. Do số lượng thí sinh dự thi rất lớn nên Sở GD&ĐT Hà Nội bố trí gần 15.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia phục vụ kỳ thi.

Trước đó, 19 đoàn công tác của ngành giáo dục Thủ đô và nhiều đoàn của Ban chỉ đạo thi đã khẩn trương tổ chức kiểm tra điều kiện tổ chức kỳ thi tại tất cả điểm thi. Qua kiểm tra thực tế, hầu hết các điểm thi đều chuẩn bị kỹ về mọi mặt, có phương án dự phòng cho các tình huống phát sinh, đảm bảo đúng quy chế thi.

Kỳ thi năm 2024 sẽ diễn ra trong 2 ngày cuối tuần này, 8-9/6. Các em sẽ làm ba bài thi Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Cụ thể, sáng 8/6, thí sinh thi môn Ngữ văn, thời gian làm bài 120 phút. Buổi chiều, thí sinh làm bài thi môn Ngoại ngữ, thời gian làm bài 60 phút. Ngày 9/6, buổi sáng thí sinh làm bài thi môn Toán, thời gian làm bài 120 phút. Ngày 10-11/6, Hà Nội tổ chức cho thí sinh dự thi các môn chuyên vào trường THPT chuyên và thi các môn song bằng.

Học sinh lớp 9 ‘căng mình’ ôn thi

Với sức nóng của kỳ thi năm nay, nhiều học sinh lớp 9 đang ra sức ôn tập, không ít em học tới 4-5 ca mỗi ngày. Học trên lớp, tăng ca tại lớp học thêm, cuộc sống của những học trò cuối cấp chỉ vùi đầu bên kiến thức và quanh quẩn với ước mơ học hành, đỗ đạt.

Mỗi một thành công không có dấu chân của những người lười biếng. Học sinh cuối cấp đang cố gắng không ngừng nghỉ, dù chỉ còn ít ngày nữa là tới kỳ thi. Theo chuyên gia tâm lý, trước kì thi, các em khó tránh khỏi tâm lí căng thẳng. Để giảm áp lực này, học sinh cần có kế hoạch ôn thi khoa học và đầy đủ. Ví dụ phương pháp học gián đoạn 25 phút học, 5 phút nghỉ, sử dụng sơ đồ tư duy để não bộ cân bằng và dễ dàng hệ thống hóa kiến thức, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giấc ngủ trong quá trình ôn thi.

Đếm ngược chờ kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Chỉ hơn 60% số học sinh dự tuyển vào lớp 10 sẽ vào được trường công lập Hà Nội. Ở một số địa bàn căng thẳng về chỗ học, tỉ lệ này còn thấp hơn nữa. Theo quy định, Hà Nội chia ra 12 khu vực tuyển sinh. Mỗi thí sinh sẽ có 3 nguyện vọng, trong đó 2 nguyện vọng nằm trong khu vực tuyển sinh là nơi học sinh cư trú. Nguyện vọng 3 nằm trong khu vực tuyển sinh bất kỳ. Theo tâm lý, học sinh và phụ huynh sẽ chú tâm nhiều hơn tới 2 nguyện vọng đầu. Chọn trường nào cũng phải cân não vì điểm chuẩn đều ở mức cao hoặc rất cao.

Bất cập phát triển mạng lưới trường học cấp THPT

Quận Hà Đông nơi có tình trạng di dân cao của Hà Nội, nhưng trường thpt công lập lại khá ít. Ngoại trừ trường chuyên thì quận nay chỉ có 3 trường THPT công lập là: Lê Quý Đôn, Quang Trung và Trần Hưng Đạo. Năm nay, cả 3 trường này đều giảm chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 vào khoảng 90hs mỗi trường.

Tỉ lệ học sinh tại quận Hà Đông có thể vào được các trường công lập trên địa bàn quận này thấp hơn hẳn so với tỉ lệ chung của toàn thành phố.

Gần 8 nghìn học sinh hoàn thành lớp 9, nhưng chỉ khoảng 1/3 trong số đó được học tại trường cấp 3 công lập của quận.

Học sinh Nguyễn Trâm Anh, Trường THCS Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội Năm nay nguyện vọng 1 của em là vào Lê Quý Đôn Hà Đông, NV2 là Trần Hưng Đạo, Thanh Xuân. Vì tỷ lệ chọi Hà Đông năm nay cao nên em ngoài đặt NV1 Hà Đông thì NV2 em chọn quận khác để chắc chắn vào được trường công lập.

Bà Nguyễn Thị Thuỷ, Phó hiệu trưởng Trường THCS Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội nhìn nhận, vì các trường này có điểm chuẩn thấp hơn điểm chuẩn của Lê quý Đôn và Quang Trung của quận Hà Đông. Sức nóng thi vào 10 của quận Hà Đông thì đúng là rất vất vả đối với học sinh.

Nhìn vào số liệu trên màn hình, có thể thấy sự chênh lệch về việc phát triển mạng lưới trường học từ bậc Tiểu học lên THPT ở thủ đô. Điểm nghẽn nằm ở bậc THPT. (Tiểu học: 700 trường, THCS 600 trường, THPT 127 trường)

KTS. Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho hay, đấy là điểm nghẽn, con số đã nói lên cái bất cập trong cấu trúc phân bổ trường lớp trong hệ thống giáo dục phổ thông của Hà Nội hiện nay. Nó tạo ra sự căng thẳng biết trước hàng chục năm mà không có cách nào để sửa cả.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông, Hà Nội đề xuất: "Đối với quận Hà Đông thì hiện nay còn những quỹ đất trong khu đô thị nên mong muốn thành phố rà soát xây dựng trường THPT công lập".

Theo tính toán, Hà Nội còn thiếu khoảng 149 trường bậc học này. Thành phố đã và đang cho rà soát quỹ đất bỏ hoang để xây 30-40 trường THPT trong thời gian tới.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước