Đổi mới đề thi - Đâu là giới hạn?

VTV Digital-Thứ ba, ngày 11/06/2024 09:51 GMT+7

VTV.vn - Học cũ, dạy cũ nhưng cách ra đề thi mới khiến học sinh dễ mất bình tĩnh, thậm chí là bị bất ngờ.

Đến thời điểm này, nhiều địa phương trong cả nước đã hoàn thành kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Theo đánh giá sơ bộ, kỳ thi năm nay an toàn, thuận lợi, đề thi vừa sức, không gây căng thẳng cho thí sinh.

Tuy nhiên, tại TP Hồ Chí Minh - địa phương được đánh giá là tiên phong trong việc đổi mới cách ra đề thì câu chuyện về đề thi vẫn đang là vấn đề được bàn luận sau khi kỳ thi kết thúc.

Một bức ảnh đang được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội và nhận được sự đồng cảm chia sẻ của rất nhiều phụ huynh, học sinh. Ngay sau khi kết thúc giờ thi môn Toán, một nữ sinh đã ôm mẹ khóc khi em không hoàn thành bài thi của mình. Bài nào bạn cũng có ý còn bỏ dở, bạn sợ không đậu nguyện vọng nào.

Đề thi khó, đó không chỉ là của bạn nữ sinh này mà với cả nhiều học sinh có học lực giỏi. Nhiều học sinh đã cảm thấy thất vọng vì cả năm học hành chăm chỉ nhưng lại không làm nổi một bài thi.

Đổi mới đề thi - Đâu là giới hạn? - Ảnh 1.

Xin nghỉ làm để đưa đón con đi thi Tuyển sinh lớp 10 ở TP Hồ Chí Minh, anh Trí ở Long An hy vọng môn toán giúp con đạt mục tiêu vào trường công lập top đầu của TP Hồ Chí Minh. Bởi kết quả học tập lớp 9, điểm trung bình của con anh là 9,4, xếp thứ 2 trong lớp. Tuy nhiên, kết thúc bài thi Toán, con anh buồn bã cho biết, đề thi quá sức của mình.

Một số phụ huynh cũng tâm tư, vì con đã học chăm chỉ, ôn thi suốt cả năm qua, nhưng lại không làm được bài. Những phụ huynh mạnh mẽ như chị Hân đã phải rơi nước mắt, khi thấy con học luôn đứng đầu lớp, nhưng giờ bước ra khỏi phòng thi với tâm trạng mệt mỏi, hoang mang.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hân - phụ huynh học sinh chia sẻ: "Con nằm lì ở trong phòng, không ra ngoài, không giao tiếp. Ngay cả khi bạn bè tới và mình cũng nhờ rất nhiều người đến can thiệp nhưng mà không được. Ở lớp, hầu như điểm Toán của con là 8 chấm mấy cho đến 9 chấm, cũng nằm trong top 1 của lớp, nhưng con bỏ 3 trong 5 câu thực tế, bạn chỉ làm được 2 câu. Môn hình bạn bỏ 1 câu nhỏ và con chỉ nói là chấm điểm cho bạn từ 4.75 đến 5 điểm thôi".

Với đề thi Toán và Ngữ Văn của TP Hồ Chí Minh năm nay, theo các giáo viên, bài thi văn và toán có hàm lượng mở rộng, kiến thức thực tế đến 50-70%, tức là hơn 1 nửa nội dung bài thi không nằm trong chương trình học.

Với môn văn được đánh giá cao vì có tính sáng tạo, nên nếu việc dạy học theo chương trình sách giáo khoa và giáo viên không mở rộng liên hệ thực tế thì không ít học sinh học theo cách truyền thống sẽ bất ngờ khi gặp cả phần đọc hiểu lẫn phần nghị luận xã hội bởi vì ngay cả phần nghị luận văn học vẫn hàm chứa nội dung liên hệ mở rộng. Trong khi đó, đề thi toán có 5 trên 8 câu là đề mở rộng, toán thực tế.

Một số giáo viên cho rằng, kết cấu đề thi: có nhiều kiến thức mở rộng, ngoài chương trình học, học sinh chưa được tiếp cận nhiều với loại bài toán này. Học cũ, dạy cũ nhưng cách ra đề mới khiến học sinh dễ mất bình tĩnh, thậm chí là bị bất ngờ.

Đâu là giới hạn cho đề thi mở?

Trước ý kiến về đề thi năm nay quá "mở", nhiều đổi mới, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho rằng, đề thi đổi mới theo hướng phân hóa học sinh và giảm tình trạng học để thi. Đúng xu hướng phải đổi mới cách dạy và học.

Ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho rằng: "Đề thi được đánh giá cao về việc đổi mới phương pháp ra đề, về nội dung, thể hiện được sự phân hóa để các em học sinh có thể chọn được nguyện vọng phù hợp".

Tuy nhiên, theo một số giáo viên có kinh nghiệm ôn thi môn toán, đề thi năm nay tiếp tục tăng số bài toán thực tế lên đến 5/8 bài vậy là quá nhiều. Dữ liệu nhiều, đề khá lắt léo, đòi hỏi học sinh phải nắm chắc kiến thức lớp 8 và lớp 9, được làm quen dạng toán thực tế nhiều mới hoàn thành bài thi này.

Thầy Nguyễn Đức Tấn - Giáo viên môn Toán, Trung tâm luyện thi Thăng Long – TP Hồ Chí Minh cho biết: "Để giải quyết được đề này trọn vẹn thì ngoài việc giỏi Toán còn phải giỏi Văn nữa, để các em phân tích kĩ những bài toán mà đề rất dài. Phải đọc hiểu được cái đề thì mới giải quyết được".

Với đề thi Ngữ văn được học sinh và phụ huynh đánh giá đổi mới sáng tạo, giúp học sinh phát huy năng lực sáng tạo. Tuy nhiên, đề khá dài nên cần phải ngắn gọn hơn. Và việc dạy học của giáo viên cũng cần phải đổi mới nhiều hơn, mới giúp học sinh theo kịp và phát huy năng lực.

Cô Vũ Thị Huệ - Giáo viên Ngữ văn, Trung tâm Luyện thi Thăng Long, TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, học trò cũng phải mất 5-10 phút để đọc, sau đó mất 5-10 phút để hiểu đề, thẩm thấu đề, đặc biệt câu nghị luận xã hội phải suy nghĩ xem chọn đề nào để phát huy năng lực của mình nhất. Hai đề của nghị luận văn học cũng phải mất thời gian để suy nghĩ mình chọn đề nào để được điểm cao nhất mà thể hiện, phát huy sở trường hơn. Mong muốn chung là các bạn phải có 150 phút để có đất diễn hơn.

Theo các thầy cô giáo, năm nay thực hiện chương trình cũ, giáo viên và học sinh chủ yếu vẫn dạy và học theo chương trình GDPT 2006, nên chủ yếu vẫn dạy học theo chương trình cũ, không đưa nhiều hàm lượng nội dung thực tế. Vì vậy, học sinh gặp khó khăn.

Đổi mới đề thi - Đâu là giới hạn? - Ảnh 2.

Cô Nguyễn Thị Bình - Giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Trãi, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh nêu ý kiến: "Hy vọng trong thời gian sắp tới thì bên Sở cũng có những định hướng để chúng tôi tiếp cận với chương trình 2018, thì có thể theo hướng ra đề mới. Đó là 3 câu có thể cùng 1 thể loại, sau đó các câu hỏi sẽ đóng trong phần thể loại đấy, để các con vừa nắm được đặc trưng thể loại, cũng như là các con có thể thể hiện đúng nhịp đập trái tim của các con".

Năm nay là năm cuối cùng thực hiện Chương giáo dục phổ thông cũ (năm 2006) đối với các lớp cuối cấp. Trong đó, học sinh lớp 9 vẫn dạy và học theo chương trình cũ. Học chương trình cũ nhưng lại thi theo hướng đổi mới và nội dung đổi mới lại chiếm tỷ lệ rất nhiều trong một bài thi đã gây ra những tác động tiêu cực cho học sinh, phụ huynh và cả giáo viên.

Dù sao, kỳ thi đã kết thúc. Có ý kiến cho rằng là đề thi khó thì sẽ khó đều với tất cả các em. Vẫn còn phải chờ ngày công bố điểm thi. Vào thời điểm này, sự chia sẻ của phụ huynh với các con của mình là rất cần thiết để các em vượt qua thời điểm khó khăn này. Một thầy giáo ở TP Hồ Chí Minh đã gửi cho học sinh của mình: "Thầy biết cú ngã nào cũng đau, nhưng phải đứng dậy và bước tiếp. Cây non oằn mình đón trận bão đầu tiên trong đời, sẽ nghiêng ngả. Nhưng em thấy không, cổ thụ vững chãi cũng từng là một cây non mà… Mong các bậc cha mẹ đừng đặt lên vai con trẻ những kỳ vọng lớn lao, đừng so sánh con mình với con nhà người ta, hãy để con được là một đứa trẻ bình thường, giản dị và trong trẻo!".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước