Lâu nay, nói đến đổi mới giáo dục, chúng ta luôn phân tích những điều hết sức trừu tượng, vĩ mô như nhu cầu xã hội, mục tiêu cần đạt được, kỳ vọng của người lớn đối với trẻ em. Nhưng có một điều có thể nói là căn cốt của giáo dục, đó chính là tố chất và sự phát triển tự nhiên của mỗi học sinh thì lại bị xem nhẹ từ nhiều năm nay.
Hệ lụy là những thế hệ học sinh được đào tạo không đúng với năng lực và sở trường của các em, dẫn đến việc học hành trở thành gánh nặng, thành áp lực và thậm chí là sự chán nản. Vì vậy, đổi mới giáo dục - trước hết là cần chú trọng phát triển tố chất và cá tính của học sinh.
Theo giáo sư Howard Gardner, Đại học Haward, Hoa Kỳ: con người có nhiều loại hình thông minh khác nhau như trí thông minh logic - toán học, thông minh ngôn ngữ, thông minh không gian, trí thông minh vận động, trí thông minh tương tác giao tiếp, trí thông minh nội tâm...
Xã hội đang biến đổi từng ngày từng giờ, ở đó, sự phân công lao động ngày càng rõ nét, sự chuyên môn hóa trong từng khâu sản xuất ngày càng sâu sắc, sự sáng tạo và cá tính riêng của mỗi cá nhân trong công việc ngày càng được đề cao... Trong một xã hội như vậy, từng loại hình trí thông minh, từng tố chất, từng năng khiếu của con người nếu được phát huy và nâng đỡ đúng cách đều có giá trị và có khả năng đóng góp cho xã hội. Trách nhiệm và vai trò của các nhà quản lý giáo dục chính là ở chỗ, phải nhìn ra những thay đổi của thời đại để có những bước chuyển phù hợp trong mô hình và phương thức giáo dục.
Ở Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, với việc bỏ chấm điểm thường xuyên ở bậc tiểu học, lược bớt những kì thi, ngành giáo dục đang tiếp cận dần với việc giảm áp lực học hành cho trẻ. Thế nhưng, vẫn còn những rào cản cần được gỡ bỏ để có thể tiến tới một nền giáo dục mà ở đó, những tư chất cá nhân được phát hiện, bồi dưỡng và khuyến khích phát triển.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!