Du học kiếm bộn tiền - Chỉ là "bánh vẽ" của các công ty tư vấn

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 28/01/2019 06:00 GMT+7

VTV.vn - Trong thông cáo báo chí gần đây, ĐSQ Nhật Bản đã dùng những tính từ rất nặng khi gọi các công ty tư vấn du học lừa đảo là những "môi giới thiếu đạo đức, thiếu lương tâm".

Điều này cho thấy, việc tư vấn, quảng cáo sai sự thật về các chương trình du học tại Nhật Bản đã bị một số doanh nghiệp cố tình thổi phồng hoặc bẻ cong nhằm thu phí quá cao và là một trong những nguyên nhân dẫn tới tính trạng du học sinh phạm tội ở Nhật Bản gia tăng đột biến trong 3 năm qua.

Có thể kiếm được việc làm 80 triệu đồng/tháng, ít nhất vừa du học vừa đi làm cũng kiếm được 400 triệu đồng/năm, du học Nhật Bản lại có lương cao… là những quảng cáo tràn ngập trên mạng xã hội về cơ hội du học Nhật Bản mà chuyện tư vấn chất lượng đào tạo thì ít; thổi phồng kiếm tiền thì nhiều.

Nhiều bạn trẻ đã bị choáng ngợp trước những thông tin chỉ mất vài chục triệu đồng là có thể đi du học và kiếm được rất nhiều tiền từ xứ người.

Sự thật du học sinh Việt Nam ở Nhật Bản có "dễ dàng" như những gì các công ty tư vấn du học quảng cáo. Những căn hộ chật chội nhồi hàng chục người, nếu có đi làm cũng nhận được mức lương rất thấp. 3 năm lao động, tiết kiệm cũng không bù được chi phí đã bỏ ra trước khi đi.

Một thống kê đáng buồn là tỷ lệ du học sinh phạm tội ngày càng cao ở Nhật và 90% là tội phạm trộm cắp.

Đại diện phía Nhật Bản cho rằng nguyên nhân là do nhiều công ty tư vấn du học "thiếu đạo đức" dẫn tới nhiều người mang gánh nợ nặng nề khi ra đi và dễ bỏ trốn, phạm tội tại Nhật Bản.

Liên tục trong thời gian qua, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã đưa ra những cảnh báo về các công ty tư vấn du học lừa đảo và đưa ra biện pháp trừng phạt là ngừng cấp thị thực cho các doanh nghiệp này trong 6 tháng.

Điều ngạc nhiên là phản ứng từ phía Sở giáo dục các địa phương, nơi đã cấp phép cho các doanh nghiệp tư vấn du học, lại không xử phạt, không thu hồi giấy phép. Hàng nghìn du học sinh bị lừa gạt hiện vẫn vất vưởng tìm đường kiếm tiền "trả nợ" ở xứ người.

Cơ quan chức năng Nhật Bản mong muốn phía Việt Nam tăng cường giám sát, phát hiện và loại trừ các doanh nghiệp lừa đảo và khẳng định Nhật Bản luôn chào đón lao động và du học sinh Việt Nam tới học tập, làm việc và sinh sống hợp pháp.

Những bạn du học sinh từng bị cơ quan chức năng Nhật Bản trục xuất do vi phạm các quy định làm thêm giờ. Câu chuyện của họ chính là vấn đề "vay để đi học".

Để được đến Nhật du học, họ phải trả trước một khoản tiền khoảng 300 đến 400 triệu đồng, bao gồm học phí năm đầu, thuê ký túc xá và lệ phí môi giới cho công ty du học. Số tiền này đối với các gia đình nghèo ở Việt Nam là phải đi vay, có khi vay với lãi suất cao. Các du học sinh phải ra sức đi làm thêm ngoài giờ học để trả nợ và lo các khoản phí sinh hoạt đắt đỏ tại Nhật Bản.

Theo quy định của Nhật Bản, lưu học sinh chỉ được làm thêm không quá 28 tiếng/tuần, nếu theo đúng quy định này, thu nhập tối đa từ việc làm thêm của du học sinh trung bình không quá 23 triệu/tháng. Số tiền này rất khó để vừa trả nợ, trả học phí và sinh hoạt phí đắt đỏ nên buộc các du học sinh phải làm thêm vượt quá só giờ trên. Đương nhiên, khi bị cơ quan chức năng Nhật Bản phát hiện, họ sẽ bị trục xuất về nước.

Cụm từ "du học sinh trá hình" xuất hiện khá nhiều trên các trang mạng của Nhật Bản trong thời gian gần đây, cho thấy tình trạng này là rất phổ biến, không chỉ đối với du học sinh của Việt Nam mà cả các nước khác như Srilanka, Trung Quốc.

Nguyên nhân xuất phát từ cả hai phía Việt Nam và Nhật Bản. Một vài công ty môi giới du học trong nước lợi dụng sự thiếu hiểu biết và mong muốn lao động tại Nhật Bản đã vẽ ra viễn cảnh đi du học tại Nhật Bản có thể kiếm được từ 50 đến 60 triệu nhờ làm thêm ngoài giờ học, nhưng thực tế không phải như thế, kết hợp với thu phí môi giới cao càng tạo gánh nặng cho du học sinh và gia đình.

Do tình trạng thiếu lao động và phí nhân công giá rẻ trả cho các du học sinh nên các doanh nghiệp, các trường dạy tiếng Nhật đã tiếp tay cho việc làm thêm quá giờ, trái phép của du học sinh nước ngoài.

Thực tế không hề có chuyện thu nhập 60 triệu/tháng mà về vẫn có bằng cấp. Vì thế, du học sinh Việt Nam muốn sang Nhật Bản học tập cần xác định rõ một số điều.

Đầu tiên phải xác định khi đi du học, việc học là quan trọng nhất và không thể kiếm tiền bằng hình thức du học. Hiện nay, các cơ quan chức năng Nhật Bản đang siết chặt việc làm thêm giờ trái phép của du học sinh cũng như quản lý chặt việc cấp tư cách lưu trú lưu học sinh.

Trước khi có ý định du học tại Nhật Bản, các bạn cần phải tìm hiểu rõ thông tin như các khoản học phí, sinh hoạt phí, điều kiện làm thêm giờ, từ đó cân đối với khả năng tài chính của gia đình và nên tham vấn nhiều ý kiến của các cơ quan chức năng, các hội nhóm uy tín của Việt Nam và Nhật Bản.

Những trường hợp muốn sang Nhật vì mục đích lao động kiếm tiền nên chọn các hình thức lao động đang được chính phủ Nhật Bản mở rộng, thay vì du học sinh trá hình.

Du học là một công việc nặng nhọc và vất vả cần được chuẩn bị kỹ càng về nhiều vấn đề từ năng lực ngôn ngữ đến khả năng thích nghi, quyết tâm học tập. Đi du học chỉ nên tập trung chính vào công việc học tập theo nghĩa thuần túy vốn có của nó. Đi du học sẽ tốn tiền chứ du học không phải là phương pháp kiếm tiền tối ưu như nhiều công ty tư vấn vẽ ra.

Nếu điều kiện tài chính của gia đình bạn chưa đủ để đi du học, bạn vẫn có thể tham gia những khóa học tiên tiến của những học giả hàng đầu thế giới qua các khóa học online cấp chứng chỉ trên Coursera, EDX, Lynda

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước