Toàn cảnh hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, đội ngũ nhà giáo có vai trò rất quan trọng, quyết định đến chất lượng giáo dục không chỉ cho hiện tại mà cả tương lai, góp phần xây dựng nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt phục vụ kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Nguyên tắc, quan điểm, chủ trương xây dựng Luật Nhà giáo là ban hành luật để phát triển đội ngũ nhà giáo với tinh thần chuyển từ quản lý hành chính trước đây sang quản trị về chất lượng; đồng thời, mong muốn làm sao thu hút nhiều người có năng lực, có tài, tâm huyết vào ngành Sư phạm, gắn bó với nghề. Việc xây dựng luật nhằm tháo gỡ một số điểm nghẽn trong văn bản quy phạm pháp luật về nhà giáo trước đây, khi chưa bao quát được hệ thống các nhà giáo ở cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Thảo luận tại hội thảo, bà Trần Thị Ngọc Diễm, Phó Trưởng phòng Tổ chức nhân sự, Tổ trưởng Tổ pháp chế Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, dự thảo Luật có rất nhiều thay đổi tích cực, phù hợp sự phát triển cũng như khẳng định vị thế của nghề giáo. Với chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm một số nội dung đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số, đổi mới hoạt động giáo dục và xây dựng xã hội học tập. Bên cạnh đó, nội dung xây dựng chính sách tiền lương, chính sách theo lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập nên giao cho cơ sở tự xây dựng, bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định.
Ông Tưởng Nguyễn Sự, Hiệu trưởng Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Ngô Thời Nhiệm cho rằng, một trong những điểm nổi bật của dự thảo Luật Nhà giáo đó là vai trò, vị trí của giáo viên ngoài công lập bình đẳng với công lập. Đây là điều mà các nhà giáo ngoài công lập rất phấn khởi bởi thể hiện sự ghi nhận, động viên về tinh thần rất lớn với họ. Quan điểm, mục tiêu xây dựng cũng như các nội dung của dự thảo Luật đều hướng đến bảo vệ quyền lợi, tôn vinh nhà giáo, trong đó có giáo viên trường ngoài công lập. Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập được coi là người lao động đặc biệt thì người sử dụng lao động sẽ phải có nhiều trách nhiệm hơn với nhà giáo, có chính sách thu hút giữ chân nhà giáo.
Ông Sự cho biết, thời gian qua, nhà trường có nhiều chính sách đãi ngộ, thu hút nhà giáo. Trong đó, chính sách thu nhập cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường, mức lương mỗi năm tăng thêm khoảng 10%. Nhà trường có chính sách hỗ trợ cho vay, nâng chuẩn trình độ. Ngoài ra, chính sách về nhà ở, môi trường làm việc được quan tâm nhằm tạo sự gắn bó trong đội ngũ cùng vì sự phát triển của nhà trường…
“Để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Nhà Giáo, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hằng trăm cuộc hội thảo, tọa đàm, các cuộc họp tham vấn chuyên gia trong và ngoài ngành; lấy ý kiến các Bộ, cơ quan, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ GD&ĐT và các Bộ, cơ quan, các sở GD&ĐT. Có hơn 800.000 Nhà giáo trong toàn quốc đã tham gia góp ý đối với dự thảo Luật Nhà giáo” ông Vũ Minh Đức Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho hay.
Thông qua các chính sách đó, nhà trường xây dựng được đội ngũ khoảng 98,5% là cơ hữu, cao hơn mức quy định. Điều này tạo sự ổn định trong đội ngũ, thuận lợi trong thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục. Theo ông Sự, Luật Nhà giáo chỉ là cơ sở để ràng buộc, đổi mới thêm và phát triển hơn nữa đội ngũ nhà giáo, còn các nhà đầu tư quan tâm đến giáo dục như thế nào, có chính sách ra sao mới là điều quan trọng.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo, các đại biểu đề xuất Ban soạn thảo làm rõ hơn quy định về đạo đức nhà giáo bằng nội dung, yêu cầu cụ thể; việc thi xếp hạng với giáo viên ngoài công lập. Cùng với đó, Bộ cần có hướng dẫn về nội dung phải có thực hành sư phạm khi tuyển dụng; bổ sung phương thức tiếp nhận giáo nhà giáo trong quy định về tuyển dụng nhà giáo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!