Trong dự thảo tuyển sinh Đại học năm 2025 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố lấy ý kiến trong tuần vừa qua, một số những thay đổi như: thí sinh xét tuyển học bạ phải dùng kết quả cả năm lớp 12, hay dự kiến chỉ tiêu xét tuyển sớm không quá 20%… đang nhận được nhiều sự quan tâm, băn khoăn của học sinh và các phụ huynh.
Hầu hết học sinh của lớp 12 đều dự định sẽ đăng ký xét tuyển đại học sớm, bằng một trong nhiều phương thức như xét chứng chỉ IELTS, kỳ thi riêng, xét học bạ… Vì thế, việc quy định xét tuyển sớm tối đa chỉ được 20% sẽ tăng áp lực cạnh tranh với nhiều em vào năm tới.
Em Phạm Ngọc Thái, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội bày tỏ: "20% là con số giảm khá mạnh so với năm ngoái và có thể khiến cho bọn em hơi sốc, và lo sợ".
Về vấn đề này, ông Đoàn Minh Châu, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội cho rằng: "Khi xét tuyển sớm, chúng tôi nghĩ rằng chỉ những học sinh thực sự xuất sắc thì mới được xét tuyển sớm vào các trường đại học khi đó các em sẽ rất quan tâm đến các trường tốp đầu".
Có thể thấy, nếu như quy định chỉ 20% cho xét tuyển sớm thì lúc đó chỉ những học sinh thực sự nổi bật mới có thể đỗ. Còn 80% là đợt xét tuyển chung gồm tất cả phương thức, trong đó có cả điểm thi tốt nghiệp.
Ở một góc nhìn khác, theo chuyên gia giáo dục nhìn nhận quy định cứng bằng một con số lại vấp phải một vấn đề.
Ông Đinh Đức Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT FPT Bắc Giang băn khoăn về tỷ lệ 20% này. Bởi theo ông Hiền, 20% phân bổ ‘cứng’ cho các ngành các trường gây xáo trộn cho tuyển sinh các trường.
Còn theo GS. TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, 20% mà dựa trên con số này lại không có căn cứ cụ thể. "Xét tuyển như thế nào trách nhiệm cao nhất hiện nay theo Luật giáo dục đại học là thuộc về các trường; mà Bộ giáo dục và Đào tạo chỉ kiểm soát chất lượng, chứ không phải là phương thức, mà phương thức đã tốt rồi còn hạn chế nữa thì không có căn cứ để thuyết phục".
Ngoài ra, cái khó khăn nhất hiện tại là các trường là phải quy đổi điểm số về cùng một thang điểm 30. Trong khi mỗi phương thức xét tuyển lại có hệ quy chiếu riêng.
PGS .TS Vũ Duy Hải, Trưởng ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội nêu quan điểm : "Phù hợp với lộ trình Bộ nên phân loại thành các đầu điểm tương đồng gần nhau hơn, ví dụ như điểm thi tốt nghiệp với điểm học bạ phản ánh quá trình học tập của học sinh, hoặc chứng chỉ quốc tế thì được công nhận trên toàn thế giới thì có thể quy cùng 1 phân lớp, còn kỳ thi riêng thì cũng phải cùng loại với kỳ thi riêng".
Theo lý giải của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dự thảo thông tư sửa đổi tập trung khắc phục một số bất cập trong công tác tuyển sinh hiện nay. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện, trên nguyên tắc sự công bằng cho thí sinh và nâng cao chất lượng đào tạo.
KHẮC PHỤC TỒN TẠI TRONG TUYỂN SINH ĐẠI HỌC
1/ Sử dụng nhiều phương thức, tổ hợp môn xét tuyển cùng một chương trình, ngành đào tạo.
2/ Xét tuyển sớm chiếm tỷ lệ lớn
3/ Điểm cộng cho chứng chỉ ngoại ngữ cao…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!