Tệ nạn ma túy đang là vấn đề phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt đời sống - xã hội và để lại hậu quả nặng nề về kinh tế, sức khỏe công cộng, trật tự, an toàn xã hội và đe dọa an ninh quốc gia. Tính đến cuối năm 2020, theo thống kê của Bộ Công An - Cơ quan thường trực về phòng, chống ma túy của Ủy ban Quốc gia, nước ta có 235.012 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế, số người nghiện và nghi nghiện ở nước ta còn cao hơn. Điều đáng nói, thành phần người nghiện rất đa dạng và đang trong độ tuổi rất trẻ. Trong đó, có cả người nghiện là học sinh, sinh viên.
Ma túy đã và đang hủy hoại tương lai của nhiều thanh thiếu niên, lấy đi cơ hội giúp họ trở thành công dân có ích cho đất nước và đang đe dọa cuộc sống bình yên của hàng triệu người khác. Trong bối cảnh tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy đang diễn biến phức tạp với nhiều yếu tố khó lường, đặc biệt là ngày càng xuất hiện nhiều loại chất hướng thần mới rất nguy hiểm, công tác phòng, chống ma túy nói chung, việc bảo vệ thế hệ trẻ trước sự tấn công của tệ nạn ma túy là nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết.
Ngày 22/6, tại Trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai các nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học và hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2021. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo và tại 63 điểm cầu của 63 Sở Giáo dục và Đào tạo.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, trước bối cảnh phức tạp của ma túy, tệ nạn xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang tích cực triển khai nhiều biện pháp trong và ngoài trường học nhằm giúp học sinh có đủ sức đề kháng để phòng ngừa, nói không với ma túy, tệ nạn xã hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sáng tạo, triển khai với nhiều cách làm mới, có ý nghĩa xã hội to lớn, thiết thực góp phần bảo vệ thế hệ trẻ khỏi hiểm họa ma túy. Việc này không chỉ đáp ứng yêu cầu cấp bách, trước mắt mà còn là mở ra việc đổi mới cách thức tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa ma túy của những năm tiếp theo trong ngành Giáo dục.
Một trong những điểm mới đáng chú ý trong công tác phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội trong trường học năm 2021 là học sinh lần đầu tiên được tiếp cận bộ tài liệu “Kỹ năng phòng chống ma túy”. Tài liệu gồm 4 cuốn, dành cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo viên và phụ huynh.
Ảnh bìa tài liệu “Kỹ năng phòng chống ma túy” với 4 cuốn cho từng đối tượng (Ảnh: Nhà xuất bản Y học)
Đây là bộ tài liệu hướng dẫn chuyên sâu về tác hại các loại ma túy, kỹ năng phòng ngừa ma túy (những vấn đề đang thiếu hụt và thiết yếu đối với học sinh), là cẩm nang giúp các em nhận thức sâu sắc về về ma túy, tác hại của ma túy; giáo dục, trau dồi các kỹ năng sống tự hoàn thiện bản thân để chiến thắng ma túy, kỹ năng phòng ngừa từ xa, các tình huống nguy cơ, các kỹ năng tự bảo vệ mình.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khảo sát, đánh giá thực trạng công tác phòng, chống ma túy trong trường học, thực trạng tỷ lệ thanh thiếu niên, học sinh sinh viên có nguy cơ cao hoặc đã sử dụng ma túy, nghiện ma túy. Trên cơ sở đó, tham mưu cho Chính phủ, Ủy ban Quốc gia các chính sách có thực tiễn cao, nâng cao hiệu quả phòng ngừa ma tuý; xây dựng và triển khai các chương trình can thiệp dự phòng nghiện ma túy cho học sinh, sinh viên.
Bộ tích cực đổi mới, xã hội hóa công tác tuyên truyền để mỗi thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên vừa là đối tượng được nâng cao nhận thức, nắm chắc các kỹ năng cơ bản phòng ngừa ma túy, phòng chống HIV/AIDS mại dâm, các tệ nạn xã hội khác như cờ bạc, rượu chè, nghiện game… vừa là chủ thể trực tiếp tích cực tham gia các hoạt động phòng ngừa; cùng chung tay xây dựng lối sống lành mạnh của tuổi trẻ.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung triển khai Dự án "Cùng chung tay bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy" gồm nhiều hoạt động như: trang bị kiến thức, kỹ năng phòng ngừa ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, xây dựng các sản phẩm truyền thông hấp dẫn giới trẻ, các chiến dịch truyền thông trên diện rộng, mở rộng và phát huy khu trưng bày phòng chống ma túy, các cuộc thi tìm hiểu về tác hại ma túy, gắn kết các hoạt động phòng, chống ma túy với các hoạt động thể thao, văn nghệ… Dự án hướng tới tạo sự chuyển biến về cách nghĩ, cách làm, tác động tích cực, mang ý nghĩa lâu dài về phòng ngừa ma túy. Thời gian thực hiện dự án là 5 năm (2021 - 2025).
Việc xây dựng, triển khai kế hoạch can thiệp dự phòng nghiện ma túy cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên cũng là nhiệm vụ mới đối với ngành Giáo dục. Trong quá trình xây dựng kế hoạch và triển khai, các đơn vị chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Cơ quan được Chính phủ và Ủy ban Quốc gia giao nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng chương can thiệp phòng ngừa nghiện ma túy chung của quốc gia và các Bộ, ngành liên quan - để xác định rõ nội dung, phương pháp và tiến độ thực hiện đối với khu vực trường học để hướng dẫn các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả và đúng tiến độ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!