F0, F1 tăng cao, trường học tìm cách thích nghi

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 09/03/2022 20:35 GMT+7

Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

VTV.vn - Ngành chức năng đang tập trung theo dõi, tổ chức triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh để kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong trường học.

Theo ghi nhận của phóng viên tại một lớp học ở Trường THCS Ngô Quyền, Thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, điều đặc biệt ở lớp này là học sinh đang học trực tiếp nhưng thầy cô đang dạy trực tuyến. Bởi sáng nay, cô giáo đã dương tính với SARS-CoV-2.

Thông tin từ Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Cà Mau, trong ngày 8/3, tỉnh này ghi nhận 3.428 ca mắc COVID-19. Đáng chú ý là có đến 469 học sinh và giáo viên mắc COVID-19.

Hiện 13 tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hầu hết đều ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng nhanh trong những ngày qua, trong đó có nhiều ca xuất hiện trong trường học. Như ở tỉnh Bến Tre, trong số 835 ca mắc COVID-19 ghi nhận ngày 8/3, có gần 300 ca trong trường học. Trừ tỉnh Bạc Liêu đã cho học sinh mẫu giáo và mầm non ở nhà, các địa phương còn lại đều cho học sinh đến trường. Tất cả đều có sự thống nhất giữa ngành Y tế - ngành Giáo dục và phụ huynh học sinh. Riêng với những trường hợp học sinh mắc bệnh không thể đến lớp, các trường đều tổ chức thêm hình thức dạy trực tuyến để các em có thể tiếp thu kiến thức khi ở nhà.

Tuy đã chuẩn bị sẵn kịch bản ứng phó nhưng số ca mắc ở học sinh nhất là cấp mẫu giáo và tiểu học đã khiến không ít phụ huynh lo lắng. Bởi các em chưa được tiêm phòng vaccine phòng COVID-19.

Còn tại Hà Nội, số ca F0 F1 tăng nhanh khiến nhiều trường học đối mặt với bài toán thiếu giáo viên. Yêu cầu dạy học song song hai hình thức trực tiếp và trực tuyến đang khiến các thầy cô giáo thêm vất vả. Bởi vậy, đây cũng là thời điểm đòi hỏi nỗ lực và kế hoạch sắp xếp của các lãnh đạo nhà trường để duy trì dạy học trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng.

Trường học nỗ lực khi thiếu giáo viên

Trường THCS Giảng Võ, Hà Nội từ gần 1 tháng nay luôn trong tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp trực tiếp. Chỉ có 1/3 giáo viên dạy học trực tiếp còn lại là trong diện F0. Trường cố gắng sắp xếp khoa học, hợp lý trong điều kiện có thể, đảm bảo học sinh đến trường trực tiếp thì được học giáo viên trực tiếp. Để làm được như vậy, các giáo viên phải dạy thêm giờ.

Trong khi đó, tại Trường THCS Ái Mộ, quận Long Biên, có lớp có tới 5-6 giáo viên bị F0. Vì thế trường buộc phải bố trí cho giáo viên F0 dạy từ xa. Các giáo viên còn lại dạy thay trong điều kiện sức khỏe có thể.

Áp lực đối với các trường THPT cũng rất lớn khi phải tính thêm phương án vừa dạy kiến thức mới, vừa tổ chức ôn tập cho học sinh cuối cấp. Với Trường THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội, chỉ trong tuần trước, có 10 cán bộ giáo viên là F0 và 20 người là F1. Dù cũng nhanh chóng chuyển trạng thái dạy và học linh hoạt giữa trực tiếp và trực tuyến nhưng tình trạng thiếu giáo viên là không tránh khỏi.

Bản thân mỗi giáo viên cũng nỗ lực để bù đắp kiến thức cho học sinh, dù chính bản thân họ cũng mắc COVID-19.

"Tôi lập nhóm Zalo và theo sát ôn riêng cho các con. Đây là nỗ lực của chúng tôi để lấp kiến thức cho học sinh" - cô giáo Đặng Thị Vương Nga (Trường THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội) chia sẻ.

Nhờ sự đồng lòng và chung sức, đơn vị đã vượt qua rất nhiều khó khăn để tổ chức dạy học trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng. Tuy nhiên, về lâu dài, sẽ cần những hỗ trợ cụ thể cho các trường học như chế độ phụ cấp cho giáo viên làm thêm giờ do ảnh hưởng COVID-19, hỗ trợ trang thiết bị dạy học… giúp các thầy, cô hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó.

Dù số ca nhiễm tăng trong trường học nhưng TP Hồ Chí Minh vẫn duy trì việc đến trường. Hình thức dạy linh hoạt tùy vào tình hình dịch bệnh ngay chính tại trường học và việc chuyển đổi do hiệu trưởng quyết định. Vẫn biết việc chuyển đổi hình thức này là cần thiết và phù hợp với tình hình hiện tại, thế nhưng với khối lượng công việc gấp đôi khì vừa dạy trực tiếp vừa dạy trực tuyến lại kiêm thêm công tác chống dịch, một giáo viên dù khỏe mạnh cũng cảm thấy kiệt sức. Chứ chưa nói đến là không may trở thành F0 hay F1.

Giáo viên nhiễm COVID tăng cao, trường học gặp khó

Không chỉ F0 mà F1 cũng phải cách ly ít nhất 5 ngày, vì thế, nhiều trường học tại quận 1 đang gặp tình trạng thiếu nhân sự. Quận 1 cũng là địa phương có số ca mắc trong trường học cao nhất hiện nay. Dù đã kiêm nhiệm vừa làm công tác quản lý, dạy trực tiếp 4 lớp nay thầy Đặng Hữu Trí - Trưởng bộ môn Toán, Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP Hồ Chí Minh - phải hỗ trợ thêm 1 lớp vì có giáo viên F1 phải cách ly.

Hầu hết các trường đều tuyển đủ không dư vì thế chỉ cần 2, 3 giáo viên cùng lúc nghỉ gần như các giáo viên còn lại phải làm công việc gấp đôi. Chẳng may trường nào có bảo mẫu hay nhân viên y tế phải cách ly, từ ban giám hiệu, giáo viên phải kiêm luôn hai vị trí này. Khó lại chồng khó. Trong khi việc bố trí công việc hiện nay của nhà trường đều trên tinh thần tự nguyện giúp đỡ nhau, không có bất kì khoản kinh phí hỗ trợ.

Để đảm bảo nhân sự duy trì dạy và học, giải pháp nhiều trường đưa ra là bố trí giáo viên là F0 và F1 dạy trực tuyến tại nhà. Với những giáo viên sức khỏe không đảm bảo, phải điều trị trường phải lên phương án khác.

Cảm thông là điều mà giáo viên lẫn nhà trường cần lúc này từ phía mỗi phụ huynh. Khó khăn vất vả để những lớp học luôn rộn ràng là cả một nỗ lực và cố gắng không ngừng. Chỉ riêng tại TP Hồ Chí Minh, tính từ 7/2 đến nay, ghi nhận hơn 44.000 trường hợp nhiễm và nghi nhiễm trong trường học. Trong đó, hơn 3.600 ca là cán bộ, giáo viên.

Trong bối cảnh phải liên tục thay đổi hình thức dạy và học, nhân sự lại thiếu, điều này phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Ngay trong buổi khảo sát mới đây của Đoàn đại biểu Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh, đại diện Trường THCS tại quận 1 - thừa nhận điều này. Thậm chí, vị hiệu trường này ngậm ngùi chia sẻ, biện pháp duy nhất lúc này là tăng cường phụ đạo. Dù trường nào cũng tổ chức phụ đạo cho học sinh, không ít thì nhiều, cũng đa dạng các hình thức, thế nhưng, nhiều phụ huynh không yên tâm đổ xô tìm gia sư dạy kèm cho con.

Ghi nhận thực tế tại một số trung tâm gia sư ở TP Hồ Chí Minh cho thấy, nhu cầu tìm gia sư sau Tết đến giờ đã tăng gấp 4 5 lần năm ngoái. Trong đó, nhu cầu cao nhất là tìm gia sư cho học sinh lớp 9 và lớp 12. Đây là những khối cuối cấp nên nhu cầu cần ôn tập và chuẩn bị cho các kỳ thi khiến nhiều phụ huynh lo lắng và muốn tìm gia sư bổ sung kiến thức cho con em mình.

Học online hay trực tiếp thì cũng đều là phương thức học tập. Đã là phương thức tất nhiên cần có sự thích ứng. Sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng dịch bệnh, tâm thế đón nhận thay đổi của nhà trường, phụ huynh lẫn học sinh sẵn sàng hơn. Điều kiện bây giờ tạo một thói quen tự học cho con/em để dù là học bằng phương thức nào cũng không ảnh hưởng.

Để con tự giác và yêu thích việc học

Rèn tính tự giác là cách dạy con tự học hiệu quả nhất. Để làm được điều này, bố mẹ nên trò chuyện để con hiểu việc học là việc của con và chỉ có con mới hoàn thành nhiệm vụ này mà không ai làm thay được. Cha mẹ nên để con chủ động tư duy, suy nghĩ, động não trước việc học, làm bài tập khó,... Cha mẹ chỉ nên gợi mở hoặc đưa ra định hướng mà không nên làm bài, nói kết quả sẵn cho con.

Bố mẹ nên lập thời gian biểu cho con theo ngày, theo tuần để con tự học và tự lên ké hoạch hoạc tập theo thời gian biểu. Việc học cần được duy trì hàng ngày vào những khung giờ nhất định. Thậm chí giờ nào học gì, học bao lâu, học thế nào, kết quả cần đạt ra sao, không nên học tuỳ hứng.

Cha mẹ nên để con thoải mái tư tưởng trong việc học, tránh áp lực.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước