Lớp học bơi miễn phí của 3 chàng trai trẻ người Jrai. Ảnh: Dân trí
Mỗi buổi chiều, ba chàng trai trẻ người dân tộc Jrai là Y Pyiu (SN: 1994), Y Tai (SN 1994) và Rơ Ni (SN 2000) (cùng trú tại làng Xoă, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, Gia Lai) lại chuẩn bị những công cụ học bơi thô sơ như: can nhựa, bẹ chuối… để dạy bơi cho trẻ em trong làng.
Theo chân ba chàng trai Jrai này là hàng chục trẻ em trong làng có độ tuổi từ 5 - 15 "rồng rắn" ra suối học bơi. Khác với tưởng tượng, "bể bơi làng" được làm nên từ việc ngăn dòng suối, mương thủy lợi. Mặc dù chưa được đào tạo qua bất kỳ trường lớp dạy bơi hay môi trường sự phạm nào, nhưng những bài giảng về lý thuyết của 3 "huấn luyện viên" rất cuốn hút các em. Qua phần giảng lý thuyết, các em được trang bị kiến thức về môn bơi lội, kỹ thuật bơi cơ bản để phòng ngừa đuối nước, cách nhận biết vùng nước nguy hiểm, cách cứu người đuối nước, các kỹ năng sơ cứu người đuối nước.
Sau phần lý thuyết, 3 "huấn luyện viên" đã tận tình chỉ cách lặn, ngụp, đạp chân, sải tay cho từng em. Dù được tổ chức ở con suối nhỏ, lớp học bơi "dã chiến" này luôn ngập tràn tiếng cười nói vui vẻ. Anh Y Pyiu khẳng định, em nào học nhanh thì chỉ cần 7 ngày là biết bơi, chậm thì nửa tháng. Nhưng không dừng lại ở biết bơi, các em phải nắm được các kỹ thuật bơi khác nhau, cách cứu người bị đuối nước. Ngoài ra, lớp còn tạo sân chơi lành mạnh cho các em ngoài những giờ đến trường.
Khi được hỏi ai từng cứu được người đuối nước hãy giơ tay, có tới 7 cánh tay của các em đưa lên. Em Siu Than (SN 2008, làng Xoă, xã Chư Đăng Ya) kể lại: "Năm 2017, có học sinh lớp 1 tên là Siu Hmin ở cùng làng khi đi từ trường về nhà đến cầu tạm bị trượt chân rơi xuống suối. Khi đó, em cũng đang đi học về và nhìn thấy nên bỏ cặp sách trên bờ, nhảy xuống cứu. Em nắm cổ áo từ phía sau, dìu Hmin đến đoạn nước cạn rồi hai anh em tự lên bờ an toàn".
Sau lần thoát chết may mắn đó, em Siu Hmin cùng với anh trai đã đến tham gia lớp học bơi. Hiện, hai anh em Siu Hmin đã bơi rất giỏi, nhưng cứ ngày nào rảnh là đến lớp cùng các bạn. Hai anh em vừa học thêm kỹ năng, vừa tham gia dạy cho các em chưa biết bơi.
Trong lớp, em A Lai (SN 2007) được gọi là "kình ngư" số 1 vì thành tích bơi giỏi và cứu được nhiều bạn bị đuối nước. Em Lai chia sẻ: "Từ khi biết bơi tới giờ, em đã cứu được 4 bạn bị đuối nước. Lần đầu tiên, em cứu được người bị đuối nước cách đây hơn 2 năm. Khi đó, em cùng các bạn đi tắm dưới ao tưới cà phê, bạn tên Bích (SN 2009, ở cùng làng) không biết bơi nhưng vẫn nhảy xuống tắm cùng. Do ao sâu nên Bích bị đuối nước. Em khi đó đang ở phía dưới ao đã bơi ra, túm lấy quần đưa vào bờ. Còn 3 bạn còn lại được cứu khác đều không biết bơi, nhưng đi tắm suối vẫn cứ nhảy xuống nước".
Sự ra đời của lớp bơi này cũng thật đặc biệt, bởi cả 3 "huấn luyện viên" dạy bơi từ lúc đi chăn bò. Trong thời gian đi chăn bò cạnh con suối gần làng, thấy nhiều em đi cùng không biết bơi, cả 3 mới nảy sinh ý định dạy bơi. Cứ thế, tất cả hội trẻ em chăn bò dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya được 3 "chàng trai chăn bò" tập cho biết bơi hết. Đến năm 2017, 3 chàng trai này kết thúc công việc đi chăn bò nên việc học bơi của nhiều em dở dang. Trong khi, trong xã có nhiều ao hồ, suối nên số vụ đuối nước xảy ra liên tục, từ đó 3 "chàng trai chăn bò" quay lại mở lớp dạy bơi.
Ngày thường, các em đi học nên nghỉ buổi nào học buổi đó. Còn những tháng nghỉ hè, các em đi chăn bò buổi nào thì các "huấn luyện viên" ra dạy bơi buổi đó. Hồ bơi được thiết kế gần làng và gần địa điểm chăn bò cho tiện cả thầy và trò.
"Việc dạy bơi của bọn mình là tự nguyện và miễn phí hoàn toàn. Các em trong xã đến đây thấy các bạn học bơi là tự vào học luôn, chẳng có ai đưa đến hay xin học gì cả. Bọn mình cũng nhắn với các em, thấy bạn nào chưa biết bơi thì bảo ra học luôn. Phao bơi không có thì bọn mình đi xin mấy can nhựa hỏng, hoặc chặt mấy cây chuối rừng để cho các em tập bơi. Còn con số bao nhiêu em đã biết bơi khi tham gia lớp học, bọn mình không thông kê và không nhớ nổi", anh Y Tai cười tươi nói.
Ông Nguyễn Văn Nội - Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya cho biết: "Mô hình dạy bơi cho trẻ em người dân tộc của 3 thanh niên làng Xoă đáng được tuyên dương và nhân rộng. Trước đây, không chỉ vùng này mà nhiều vùng khác thường hay xảy ra các vụ đuối nước trẻ em rất thương tâm. Tuy nhiên 2 năm trở lại đây, trên địa bàn xã không xảy ra vụ đuối nước nào đó là một điều đáng mừng. Chúng tôi hi vọng mô hình này sẽ được lan rộng trên địa bàn vùng sâu, xa của các buôn làng ở Tây Nguyên".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!