Giảng viên dùng bằng giả dạy 7 trường đại học: Lỗ hổng ở đâu?

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 19/12/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Giảng viên dùng bằng giả đã tham gia giảng dạy ở 7 trường đại học, thậm chí có chức vụ gây bất bình trong giới khoa học và cộng đồng.

"Tiến sĩ" giả đi dạy nhiều năm tại 7 trường đại học

Bằng thật, dạy giả vốn là hiện tượng bị lên án bấy lâu nay trong ngành giáo dục khi người thầy người cô có bằng cấp thật nhưng không tận tâm với sự nghiệp của mình. Nay dạy thật, bằng giả cũng bị lên án gay gắt không kém.

Mới đây, một giảng viên đã bị phát hiện đi dạy nhiều năm tại 7 trường đại học, cao đẳng, thậm chí còn có lúc làm cán bộ quản lý. Câu chuyện này đang khiến dư luận hết sức quan tâm.

Trong số các trường đại học mà tiến sĩ giả này tham gia giảng dạy có trường Đại học Nha Trang. May mắn là cho các học viên cao học tại đây, ông này là chỉ tham gia 1 buổi, dưới dạng chia sẻ kiến thức.

Giảng viên dùng bằng giả dạy 7 trường đại học: Lỗ hổng ở đâu? - Ảnh 1.

Bằng thạc sĩ, tiến sĩ mang tên Nguyễn Trường Hải được xác định là không đúng (Nguồn: NTCC).

Ông Nguyễn Trường Hải từng giảng dạy 1 tháng rưỡi tại trường Đại học Tôn Đức Thắng, 6 năm thỉnh giảng tại trường Đại học công nghệ TP Hồ Chí Minh ( 2016 - 2022); thậm chí dạy đến 4 môn học cho sinh viên tại trường ĐH Sài Gòn. Ngoài ra, từng giảng dạy ở một số trường đại học khác: Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, Văn Hiến, Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Công nghệ Sài Gòn, Trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam….

Theo lí lịch tự khai của vị tiến sĩ giả này, ông tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin năm 2005, lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ vào các năm 2010, 2022 tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh, từng tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, tất cả đều không có thật.

Lỗ hổng quy trình tuyển dụng giảng viên đại học

Việc tuyển dụng giảng viên, quy trình không khác gì 1 cán bộ công chức bình thường: hồ sơ lí lịch, bản sao bằng cấp, giấy khám sức khỏe….Tuy nhiên, có thêm 1 bước nữa là nộp đề cương của môn học dự định giảng dạy. Chất lượng đề cương được thẩm định bởi trưởng bộ môn của trường.

Tuy nhiên ở một số trường đại học có ưu tiên đặc cách tuyển dụng nếu người ứng tuyển có bằng thạc sĩ tại trường đại học uy tín. Đây chính là lỗ hổng mà nhiều đại học bị sập bẫy lừa đảo, trong chính sách thu hút nhân tài của mình.

Dù rất bất ngờ tuy nhiên theo đại diện trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh, đây là sự việc hi hữu. Nhà trường cũng đã chủ động điều chỉnh quy trình tuyển dụng, chú trọng hơn vào công tác xác thực bằng cấp kể cả giảng viên thỉnh giảng. Cũng như nhiều đơn vị tuyển dụng khác, tiêu chí tuyển dụng lâu nay của nhà trường chú trọng nhiều vào kinh nghiệm giảng dạy, lí lịch khoa học của người ứng tuyển…

Con số 10 trường đại học bị vị tiến sĩ giả này qua mắt cho thấy tâm lí trọng bằng cấp trong tuyển dụng. Đây cũng là lí do để bằng giả, người sử dụng bằng giả tồn tại.

Số lượng tiến sĩ, giáo sư ảnh hưởng đến chuẩn chất lượng của trường đại học đang theo đuổi, thậm chí là tiêu chí để trường Đại học có được mở thêm ngành mới hay không? Thực tế, không phải trường nào cũng đủ số lượng. Đây là lí do mà các chính sách thu hút nhân tài ra đời, để rồi chính trường đại học rơi vào cái bẫy của chính mình dung túng, chấp nhận những tiến sĩ giả.

Thông tin về các luận án tiến sĩ trước nay được quản lý chặt chẽ theo "Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ", ban hành kèm Thông tư số 8/2017 và Thông tư số 18/2021. Theo đó, người được cấp bằng tiến sĩ phải bảo đảm đã nộp lưu chiểu luận án tốt nghiệp của mình cho Thư viện Quốc gia. Thế nhưng với bước đầu số hoá, dữ liệu này hiện chưa đủ tính cập nhật. Bên cạnh việc lên án vấn đề đạo đức khi dùng văn bằng giả thì rõ ràng chúng ta cần những phương án quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước