Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) vừa công bố báo cáo Phát triển con người Việt Nam về tăng trưởng bao trùm và báo cáo phát triển con người toàn cầu năm 2015.
Theo đó, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam liên tục tăng trong 24 năm qua. Năm 2014, Việt Nam được xếp thứ 116/188 nước, tức là ở thứ hạng trên của nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình.
Tuy nhiên, trong báo cáo cũng chỉ ra rằng, chất lượng giáo dục ở cấp mầm non và hệ thống đào tạo đại học, cao đẳng, dạy nghề ở Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn phát triển mới và cũng là các cấp học có sự phân hóa giàu nghèo cao do việc tiếp cận gắn nhiều với khả năng chi trả của người dân.
PV có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Tiên Phong, Trợ lý giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP).
PV: Ông có thể phân tích những yếu kém về chất lượng giáo dục ở cấp mầm non và hệ thống đào tạo đại học, cao đẳng, dạy nghề ở Việt Nam tác động như thế nào đến phát triển con người?
Ông Nguyễn Tiên Phong: Báo cáo Phát triển con người Việt Nam về tăng trưởng bao trùm và báo cáo phát triển con người toàn cầu năm 2015 cho thấy, trong lĩnh vực giáo dục, sự đầu tư của cơ quan Nhà nước cũng như việc người dân cho con đến trường ở cấp học mầm non rất ít, đặc biệt là những vùng miền có điều kiện kinh tế khó khăn. Ngoài ra, hệ thống giáo dục dạy nghề còn đang rất kém, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu.
Giáo dục mầm non và dạy nghề là những bậc học rất quan trọng nên chúng ta phải ưu tiên đầu tư cho các cấp này. Bởi vì, não của trẻ ở độ tuổi mầm non phát triển rất nhanh nên việc cho trẻ đến trường và dạy trẻ nhiều thứ là sự đầu tư hiệu quả nhất, sẽ tạo nền tảng cho trẻ phát triển về sau này.
Còn với hệ thống dạy nghề có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Vì Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển và hội nhập với các nước trên thế giới nên rất cần có lao động làm việc có năng suất cao, kỹ năng tốt.
Tôi cho rằng, các cơ quan Nhà nước cần tập trung đầu tư kinh phí cho việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, đội ngũ giáo viên ở bậc mầm non.
Ngoài ra, chúng ta cần ưu tiên đầu tư cho hệ thống dạy nghề, coi dạy nghề là mục tiêu trọng tâm hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Để thực hiện mục tiêu này, chúng ta cần có sự thay đổi về thể chế sao cho việc dạy nghề phải phục vụ nhu cầu và đáp ứng được thị trường lao động. Do vậy, các cơ sở giáo dục, dạy nghề và doanh nghiệp cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ trong việc đào tạo, cung cấp và sử dụng nguồn nhân lực một cách hiệu quả, đáp ứng được thị trường.
Trong xu thế phát triển khoa học công nghệ và nhiều ngành nghề đa dạng đòi hỏi con người không chỉ cần có tri thức mà phải có kỹ năng phân tích, xử lý tình huống và đưa ra, giải quyết được những vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Ví dụ như chúng ta cần dạy trẻ biết lập kế hoạch, công việc một cách khoa học trong ngày làm việc của mình. Người lao động có được những kỹ năng tốt để giải quyết vấn đề, công việc một linh hoạt...
PV: Như ông đã phân tích, hệ thống giáo dục Việt Nam đang có những bất cập trên. Tuy nhiên, chúng ta gia nhập Cộng đồng ASEAN và sẽ thực hiện các cam kết kinh tế, thương mại có tính toàn cầu khác thì liệu rằng, với chất lượng nguồn nhân lực còn yếu kém sẽ tác động, ảnh hưởng như thế nào đến trực tiếp người lao động?
Ông Nguyễn Tiên Phong: Các nước gia nhập Cộng đồng ASEAN đều phải thực hiện thỏa thuận rất quan trọng là lao động giữa các nước có thể di chuyển một cách linh hoạt.
Khi gia nhập Cộng đồng ASEAN, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và có thể biết được mình đang mạnh, yếu ở những gì để có hướng đầu tư, bổ sung, chỉnh sửa. Khi chúng ta gia nhập Cộng đồng ASEAN thì cũng có nghĩa là người lao động trong nước sẽ phải cạnh tranh với người lao động ở các nước khác đến trên chính mảnh đất của mình.
Thế nhưng, hiện nay, nguồn nhân lực, lao động Việt Nam trên nhiều nhiều ngành nghề, lĩnh vực còn có sự chênh lệch, yếu kém thì rất khó có thể cạnh tranh so với lao động ở các nước. Bất cập này đã được thấy rõ là đang xuất hiện một số gia đình ở TP HCM bắt đầu sử dụng lao động giúp việc là người ở nước khác.
PV: Vậy theo ông, giáo dục dạy nghề ở nước ta cần thay đổi như thế nào để lao động Việt Nam có thể cạnh tranh được với các nước khác?
Ông Nguyễn Tiên Phong: Khi tham gia Cộng đồng ASEAN, hệ thống giáo dục dạy nghề phải phát triển một cách linh hoạt. Chúng ta không thể giảng dạy theo một lối mòn như kiểu tất cả các trường cùng dùng giảng dạy lý thuyết theo một cuốn giáo trình chung.
Muốn người lao động Việt Nam có thể cạnh tranh được với các lao động khác, các cơ sở đào tạo, giáo dục dạy nghề phải tiên phong trong việc tìm hiểu xem các cơ quan, doanh nghiệp đang cần người làm việc như thế nào để có hướng giảng dạy phù hợp, đáp ứng được nhu cầu thị trường. Ngoài ra, đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giáo viên theo xu thế phát triển giáo dục ở trên thế giới có vai trò hết sức quan trọng.
PV: Xin cảm ơn ông!.