Giáo viên, học sinh lo lắng, băn khoăn trước kỳ thi THPT Quốc gia

Theo VOV-Thứ năm, ngày 12/03/2015 06:00 GMT+7

Ảnh minh họa.

Điều mà nhiều thí sinh lo lắng nhất cho kỳ thi THPT Quốc gia 2015 là cấu trúc về đề thi để có phương thức ôn tập tốt nhất.

Không đợi đến khi Bộ GD-ĐT chính thức ban hành Quy chế kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2015 mà từ đầu năm học 2014-2015, các trường THPT trên địa bàn TP.HCM đã chủ động trong công tác giảng dạy và tổ chức ôn tập theo hướng mới. Thế nhưng, lãnh đạo nhiều trường cho rằng, họ sẽ thật sự yên tâm nếu sớm biết được cấu trúc đề, chương trình thi cử cũng như những hướng dẫn cụ thể hơn từ phía Bộ.

Theo ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng trường THPT Nhân Việt, đến nay, công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 của đơn vị này nhìn chung đã hoàn thiện. Việc thay đổi quy trình giảng dạy, ôn tập để kịp thời thích ứng với kỳ thi “2 chung” đã được Ban giám hiệu nhà trường triển khai từ rất sớm. Theo đó, ngay khi bắt đầu năm học, các em học sinh trong trường đã được tư vấn, định hướng kỹ trong việc chọn khối thi, môn thi phù hợp với năng lực. Mới đây, nhà trường cũng tổ chức cho toàn thể học sinh khối 12 đăng ký môn thi tự chọn nhằm có những định hướng kịp thời.

Ông Bùi Gia Hiếu nhấn mạnh: “Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các Bộ, ban, ngành phối hợp tổ chức tốt nhất kỳ thi THPT Quốc gia, đảm bảo quyền lợi cho các em thí sinh. Đây là thông tin khiến những người làm trong ngành Giáo dục như chúng tôi cảm thấy phấn khởi và yên tâm. Chúng tôi đã nắm vững quy chế của Bộ GD-ĐT cũng như hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP.HCM. Các tổ bộ môn cũng đã đưa ra nhiều phương án ôn tập để các em sẵn sàng tâm thế bước vào kỳ thi quốc gia”.

Tương tự, hơn 900 học sinh khối 12 và giáo viên trường THPT Trần Khai Nguyên cũng đã trong tâm thế sẵn sàng cho kỳ thi “2 chung” do có sự chuẩn bị từ sớm. Ngay năm đầu tiên tham gia kỳ thi THPT, trường này đã đặt ra mục tiêu 100% học sinh đậu tốt nghiệp và trên 60% học sinh đủ điều kiện xét tuyển vào các trường đại học uy tín. Chuẩn bị kỹ là vậy nhưng theo ông Nguyễn Duy Tuyển, Hiệu trưởng trường THPT Trần Khai Nguyên, đến thời điểm hiện tại, phụ huynh và học sinh vẫn còn không ít băn khoăn về việc xét tuyển vào các trường đại học theo khối thi, tỷ lệ rủi ro khi chỉ có một kỳ thi duy nhất, độ phân hóa đề hay quy trình nộp giấy xét tuyển…

Ông Nguyễn Duy Tuyển nói: “Chúng tôi chỉ đề nghị Bộ GD-ĐT và những người có trách nhiệm sẽ tập hợp những vấn đề mà ngành giáo dục thắc mắc, các em học sinh và phụ huynh chưa hiểu thành một hệ thống trả lời bằng văn bản. Tất cả những văn bản đó sẽ được gửi về các trường đại học, cao đẳng, các sở Giáo dục và các trường THPT để thủ trưởng đơn vị đó có trách nhiệm trả lời cho tất cả phụ huynh, học sinh”.

Mặc dù đã chuẩn bị được 70% kiến thức nhờ có sự hướng dẫn chu đáo của giáo viên và tính chủ động của bản thân nhưng em Ngô Nhân Bảo Ngọc, học sinh trường THPT Gia Định vẫn khá lo khi kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2015 đang cận kề. Điều Ngọc mong muốn nhất bây giờ là sớm biết được cấu trúc đề thi các môn để lên kế hoạch ôn tập chi tiết, hiệu quả hơn.

“Không chỉ môn Văn mà cả môn Lý, Hóa tụi em đều sợ rằng đề thi sẽ có cả kiến thức lớp 10 và 11. Với lượng kiến thức dàn trải như vậy, em không biết liệu mình có đạt được số điểm như mình mong muốn hay không. Vì sức cạnh tranh giữa em và các bạn khác khi nộp hồ sơ và các trường đại học rất cao nên em mong rằng điểm mình càng cao càng tốt” - Bảo Ngọc chia sẻ.

Đứng ở góc độ người làm công tác quản lý, bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng trường THPT Gia Định còn có nhiều mối lo hơn. Mặc dù đã chủ động trong công tác giảng dạy và tổ chức ôn tập cho học sinh, thậm chí còn tổ chức luôn cả một kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia theo dạng thử nghiệm để đánh giá năng lực các em nhưng theo bà, điều các trường cần nhất bây giờ là những hướng dẫn chi tiết của Bộ cho từng môn thi.

“Đây là năm đầu tiên Bộ đưa ra quy chế đổi mới. Để tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, chúng tôi mong rằng Bộ GD-ĐT sẽ sớm có những hướng dẫn cụ thể hơn. Bộ có thể cho chúng tôi biết chương trình thi chính thức ở tất cả các bộ môn, cấu trúc đề thi hoặc cung cấp thông tin rằng có hay không sự phân hóa cho chương trình cơ bản và chương trình nâng cao trong đề thi năm nay. Riêng với bộ môn tiếng Anh, chúng tôi mong rằng năm nay Bộ sẽ chưa bắt buộc các em làm thêm phần luận ” - bà Thu Cúc đề xuất.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi làm việc mới đây với Bộ GD-ĐT, từ nay cho đến trước khi tổ chức thi, Bộ cần tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện các quy định sao cho tạo được sự đồng thuận cao nhất trong toàn xã hội. Với những kiến nghị nêu trên, mong rằng, Bộ GD-ĐT sẽ sớm có những thay đổi tích cực nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho kỳ thi “2 chung”.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước