Gỡ "nút thắt", đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án Đại học Đà Nẵng

PV-Thứ ba, ngày 19/05/2020 10:14 GMT+7

VTV.vn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ thống nhất các giải pháp nhằm thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng

Chiều 18/5, tại TP Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phùng Xuân Nhạ và Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có cuộc họp triển khai dự án Đại học Đà Nẵng. Tại đây, hai bên thống nhất các giải pháp nhằm thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng dự án này.

Dự án Đại học Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt địa điểm quy hoạch xây dựng từ năm 1997 tại Hòa Quý - Điện Ngọc (thuộc thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam). Hiện nay trên diện tích đã giải phóng mặt bằng (khoảng 13%), Đại học Đà Nẵng đã triển khai xây dựng một số hạng mục công trình nhà học và khu ký túc xá sinh viên.

Gỡ nút thắt, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án Đại học Đà Nẵng - Ảnh 1.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại cuộc họp với Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chiều 18/5

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ một lần nữa khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án Đại học Đà Nẵng và việc cấp thiết phải hoàn thành giải phóng mặt bằng cho dự án để tiến hành đầu tư các bước tiếp theo. Theo Bộ trưởng, với quy mô hơn 50.000 sinh viên, trong đó 2/3 là con em của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, Đại học Đà Nẵng là nơi đào tạo nguồn nhân lực, nhân tài cho 2 địa phương và cả khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Bộ trưởng cho rằng, "nút thắt" hiện nay chính là vấn đề tái định cư giải phóng mặt bằng, nếu không gỡ được "nút thắt" này thì bài toán về vốn cho dự án sẽ rất khó để giải quyết. "Đại học Đà Nẵng quyết tâm rất cao triển khai dự án. Tôi rất mong thành phố Đà Nẵng tạo điều kiện tối đa cho dự án, về phía Bộ cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ tối đa. Trung ương và địa phương cùng quyết tâm, nếu năm nay không thực hiện được sẽ mất cơ hội của Đại học Đà Nẵng" - Bộ trưởng nói.

Thống nhất với quan điểm của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là phải quyết tâm đẩy nhanh tiến độ tái định cư giải phóng mặt bằng dự án Đại học Đà Nẵng, Chủ tịch TP Huỳnh Đức Thơ cho biết, thành phố Đà Nẵng đã chủ động phương án để nhanh nhất có thể giải phóng mặt bằng.

Điểm thuận lợi là Bộ GDĐT đã tách dự án Đại học Đà Nẵng thành 2 dự án gồm dự án giải phóng mặt bằng và dự án xây dựng cơ bản. Khi đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án giải phóng mặt bằng thì chỉ cần phê duyệt dự án đầu tư nữa là sẽ có cơ sở để giải ngân nguồn vốn, đền bù giải tỏa rồi thu hồi đất.

"Thành phố đã chuẩn bị một khu tái định cư mới từ 10-12ha thuộc khu vực đất nông nghiệp, đảm bảo dễ giải tỏa; đồng thời tính phương án cho người dân chọn nơi khác. Rất vui vì nguồn vốn đã được xác định, trong đó vốn cho giải phóng mặt bằng đã có. Bộ GDĐT cần sớm có công văn đề nghị địa phương hỗ trợ dự án bằng việc xây dựng phương án tái định cư" - Chủ tịch TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho hay.

Kết thúc cuộc họp, hai bên thống nhất sẽ có văn bản kết luận về từng việc, từng thời điểm triển khai để đảm bảo đẩy nhanh tiến độ tất cả các khâu trong quá trình giải phóng mặt bằng của dự án.

Đại học Đà Nẵng cần cơ cấu lại ngành nghề đào tạo

Trước đó, làm việc với Đại học Đà Nẵng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao những nỗ lực và kết quả mà Đại học Đà Nẵng đã đạt được thời gian qua, trong đó phải kể đến hoạt động nghiên cứu khoa học với sự tăng trưởng vượt bậc của các bài báo quốc tế, các nghiên cứu có tính ứng dụng cao hay thứ hạng ngày càng được cải thiện của Đại học Đà Nẵng trên phạm vi quốc gia, khu vực và quốc tế.

Gỡ nút thắt, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án Đại học Đà Nẵng - Ảnh 2.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kiểm tra thực địa dự án Đại học Đà Nẵng

Để Đại học Đà Nẵng phát triển tương xứng với tiềm năng và vị thế, Bộ trưởng lưu ý, Đại học Đà Nẵng cần sớm ban hành được quy chế hoạt động giữa các đơn vị thành viên, đảm bảo không triệt tiêu tính tự chủ của từng đơn vị nhưng phải có mối quan hệ hữu cơ với nhau trong một tổ chức đào tạo và nghiên cứu.

Đại học Đà Nẵng cũng cần phải rà soát, cơ cấu lại ngành nghề đào tạo theo các nhóm ngành có thế mạnh để bổ trợ lẫn nhau, tạo được sự cộng hưởng kép. Ví dụ có thể thiết kế chương trình để sinh viên các khối ngành kỹ thuật có thể học sang sư phạm kỹ thuật trình độ đại học, thạc sĩ, hoặc ngoại ngữ sang sư phạm ngoại ngữ… "Đầu ra của đơn vị này có thể là đầu vào của đơn vị kia, làm được vậy sẽ khai thác được nhiều lợi thế" - Bộ trưởng nói.

Với thế mạnh về nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng mong muốn Đại học Đà Nẵng sẽ quan tâm hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh và các nhóm nghiên cứu vệ tinh để từng bước có bước đi gắn với sử dụng. "Trong năm nay ít nhất Đại học Đà Nẵng phải hình thành một nhóm nghiên cứu mạnh. Nhóm nghiên cứu không chỉ thể hiện ở các bài báo khoa học được đăng mà còn thể hiện ở việc nâng cao chất lượng đào tạo, hướng tới đổi mới sáng tạo - đổi mới sáng tạo bằng thực lực" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Để giải quyết bài toán khó khăn về cơ sở vật chất hiện nay của hầu hết các thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng, Bộ trưởng cho rằng, cần phải tính đến nguồn lực dùng chung, hiện nay nguồn lực này còn hạn chế. Bộ trưởng lấy ví dụ, trong khi từng trường chưa có điều kiện đầu tư khu học tập, tập luyện thể dục thể thao thì có thể đầu tư một khu chung để cùng sử dụng; các công trình khác cũng tính toán như vậy.

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng ủng hộ chủ trương phát triển Viện nghiên cứu và đào tạo Việt - Anh thuộc Đại học Đà Nẵng thành Trường Đại học Quốc tế. Đồng thời trao đổi, giải đáp nhiều ý kiến đề xuất của các trường thành viên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước