Gỡ vướng việc tổ chức dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em

Khánh Nguyễn-Thứ tư, ngày 01/11/2023 05:56 GMT+7

VTV.vn - Ngày 31/10, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đã chủ trì hội thảo tham vấn "Các giải pháp tổ chức dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho học sinh".

Chưa tới 10% trường học có bể bơi

Báo cáo tại Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất Nguyễn Nho Huy cho biết: Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, giai đoạn 2015-2020, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Mặc dù số trẻ em đuối nước giảm dần trong những năm gần đây song đây vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em.

Gỡ vướng việc tổ chức dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em - Ảnh 1.

Việc dạy môn Giáo dục thể chất ở các nhà trường cần khảo sát rõ nhu cầu của học sinh. Ảnh minh họa.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, học sinh, ngoài nguyên nhân khách quan do địa hình, lũ lụt, thiên tai, có thể nhận thấy một số nguyên nhân chủ quan như trẻ em, học sinh thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước và sự quản lí của gia đình, người lớn tuổi, nhà trường còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ.

Theo số liệu thống kê của 59/63 Sở GDĐT, đến hết năm 2022, tổng số bể bơi trong trường học là: 2.184 bể/25.307 trường, chiếm tỷ lệ 8,63% trường học có bể bơi. Việc đầu tư và đưa vào sử dụng các bể bơi trong trường học cơ bản phát huy hiệu quả, từng bước đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học môn bơi và các kỹ năng an toàn trong môi trường nước tại một số nhà trường. Một số trường có bể bơi đã linh động vận dụng các nguồn kinh phí xã hội hóa hợp pháp cho việc đầu tư nguồn nước, xử lý nguồn nước, phối hợp tổ chức dạy bơi cho học sinh theo quy định.

Ở nhiều địa phương đã có sự quan tâm, đầu tư xây dựng bể bơi trong trường học với số lượng khá lớn. Trong đó Bắc Giang có 129 bể bơi; Bắc Ninh có 80 bể bơi; Hải Phòng năm 2020 mua sắm bể bơi phao cho 40 trường TH, THCS từ kinh phí Quỹ phòng chống thiên tai thành phố.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương có quá ít số bể bơi trong trường học nhiều bể bơi đã xuống cấp, chất lượng nguồn nước chưa đảm bảo, không có kinh phí, không có nhân viên đủ năng lực vận hành bể bơi. Ở nhiều nơi, nhu cầu đầu tư xây dựng hồ bơi trong trường học là rất lớn, nguồn kinh phí đầu tư rất hạn chế, cơ chế kêu gọi xã hội hóa đầu tư hồ bơi trong trường học chưa rõ ràng, một số trường không đủ diện tích đất để hồ bơi.

Trong những năm qua, Bộ GDĐT đã chú trọng và tăng cường chỉ đạo công tác bồi dưỡng, tập huấn giáo viên về dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước. Bộ GDĐT đã ban hành tài liệu hướng dẫn và tổ chức hàng năm việc tập huấn cán bộ, giáo viên cốt cán cho các Sở GDĐT.

Theo báo cáo của các Sở GDĐT, đại đa số giáo viên giáo dục thể chất đều có thể dạy bơi. Hiện nay có khoảng gần 70% giáo viên giáo dục thể chất đã được tập huấn về dạy bơi và kỹ năng phòng chống đuối nước, sơ cấp cứu ban đầu. Tuy nhiên tỷ lệ giáo viên có chứng chỉ/chứng nhận hoàn thành tập huấn huấn luyện viên môn bơi do ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp còn thấp so với nhu cầu thực tế ở rất nhiều nơi. Đây là tình trạng phổ biến ở nhiều địa phương, nhất là ở các tỉnh vùng khó khăn, miền núi.

Hiện nay, do điều kiện về kinh phí, diện tích nên việc xây dựng bể bơi trong nhà trường gặp khó khăn; việc duy trì hoạt động hiệu quả bể bơi trong trường học còn nhiều hạn chế do thiếu kinh phí chi thường xuyên cho việc vận hành, sử dụng, bảo quản và kinh phí tổ chức dạy bơi. Việc quy định mức thu xã hội hóa khi tổ chức dạy bơi trong trường học chưa thực hiện đồng bộ ở hầu hết các địa phương, giáo viên dạy bơi chưa có chính sách hỗ trợ việc dạy bơi.

Nhiều cách làm sáng tạo đưa môn bơi vào trường học

Theo Vụ Giáo dục Thể chất, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, điều kiện đảm bảo để tổ chức dạy bơi cho học sinh trong trường học nhưng địa phương, cơ sở giáo dục đã có nhiều cách làm sáng tạo đưa môn bơi vào trường học trong giờ chính khóa và rèn luyện kỹ năng ngoại khóa.

Gỡ vướng việc tổ chức dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em - Ảnh 3.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại Hội thảo.

Một số trường học có bể bơi đã xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức dạy bơi cho học sinh theo dạy học tự chọn môn Giáo dục thể chất trong giờ trái buổi của học chính khóa hoặc qua các giờ học ngoại khóa của nhà trường; đồng thời khai thác hiệu quả bể bơi ngoài giờ học chính khóa.

Một số trường do không bố trí được tiết học bơi trong giờ chính khóa nên tổ chức dạy bơi cho học sinh ngoài giờ học theo hình thức không thu tiền hoặc trong giờ ngoại khóa. Việc dạy bơi đã được các nhà trường chỉ đạo thực hiện trong nhiệm vụ dạy, học môn thể thao tự chọn, kế hoạch dạy học được duy trì, đảm bảo nội dung theo quy định.

Bên cạnh việc tổ chức dạy bơi cho học sinh trong nhà trường, các địa phương, nhà trường đã tích cực tuyên truyền, vận động và phối hợp cha mẹ học sinh đăng ký cho con em học bơi tại các cơ sở dạy bơi ngoài nhà trường và cử giáo viên thường xuyên theo dõi nắm tình hình về kết quả học bơi của học sinh.

Công tác truyền thông, giáo dục phòng tránh đuối nước cơ bản đã được triển khai đầy đủ, qua đó góp phần nâng cao ý thức của phụ huynh học sinh và bản thân các em học sinh trong việc phòng tránh tai nạn đuối nước.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nêu thực trạng, để xuất, góp ý các giải pháp nhằm tổ chức dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trong trường học như: quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí tổ chức, công tác xã hội hoá; nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên dạy bơi; tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông và sự phối hợp liên ngành…

Lắng nghe các ý kiến trao đổi, đề xuất, Thứ trưởng Ngô Thị Minh, Trưởng Tiểu ban Giáo dục thể chất, Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực nhận định: Dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trong trường học là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Để thực hiện được công tác này trách nhiệm không chỉ ở Bộ GDĐT mà cần có sự phối kết hợp với các bộ, ban, ngành và toàn xã hội.

Thứ trưởng đề nghị Sở GDĐT, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch các địa phương rà soát lại hệ thống bể bơi trên địa bàn về cả số lượng, hiệu quả hoạt động và trách nhiệm quản lý.

Nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm và tinh thần tự nguyện của giáo viên, học sinh, Thứ trưởng cho rằng: Giáo dục thể chất hiện nay trong nhà trường không còn đơn thuần như môn thể dục trước đây, việc thực hiện các môn học phải hiểu theo nhu cầu của học sinh, đăng ký thế nào phù hợp với năng lực thể chất của các em.

"Giáo dục thể chất trong nhà trường phải hiểu nhu cầu của học sinh thế nào, đăng ký ra sao để phù hợp với năng lực thể chất của các em. Kỹ năng an toàn trong môi trường nước phải kết hợp hài hòa kết hợp với giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Các em phải biết cách xử lý tình huống khi ở môi trường nước, biết cách tự nổi trong nước ra sao", Thứ trưởng Ngô Thị Minh nói.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh cũng lưu ý công tác xã hội hóa cần được đẩy mạnh hơn nữa để công tác dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trong trường học được thực hiện hiệu quả hơn, giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ em, học sinh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước