Đổi mới cách ra đề thi theo hướng mở, đánh giá năng lực thí sinh, gắn nội dung với những vấn đề thời sự, đề thi tuyển sinh lớp 10 của trường THPT Nguyễn Tất Thành ngày 20, 21/6 được đánh giá cao vì đã dần thoát ra khỏi những lối mòn.
Trong đề thi ngữ văn, câu nói của Ánh Viên, vận động viên suất sắc nhất của thể thao Việt Nam hiện nay, đã được những người ra đề chọn làm chủ đề thời sự để đưa vào đề thi. Câu hỏi 5 điểm liên quan sự liên hệ giữa câu nói “...Nếu tôi hài lòng với những gì đã đạt được, tôi là kẻ thất bại ngay từ bây giờ, chứ không phải chờ tới ngày mai. Tôi không nhớ đến chiến thắng, mỗi ngày đều nỗ lực như chưa giành được gì” của Ánh Viên với lời tâm sự của nhân vật anh thanh niên trong truyện Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long.
Đề thi văn tuyển sinh vào lớp 10 trường Nguyễn Tất Thành, Hà Nội
Nhận xét về đề thi này, cô Trịnh Thị Lan, trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng đề thi rất thú vị vì có tính cập nhật và hướng thí sinh liên hệ, suy nghĩ về những bài học sống của tuổi trẻ hôm nay qua câu nói của Ánh Viên và nhân vật anh thanh niên trong truyện Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long. Nhân vật anh thanh niên là một hình ảnh tuyệt đẹp, tiêu biểu cho thế hệ thanh niên “ba sẵn sàng” những năm 70 của thế kỉ XX.
Trong khi đó, kình ngư số 1 Việt Nam là nhân vật của đời sống hiện thực. Cô gái vàng của đường đua xanh không chỉ truyền cảm hứng đến trái tim của muôn triệu người hâm mộ Việt Nam và khu vực không chỉ bởi thành tích ấn tượng tại SEA Games 28, vinh quang cô mang về cho thể thao nước nhà mà còn bởi những suy nghĩ chân thành, khiêm tốn và cháy bỏng khát vọng, đam mê, cống hiến.
Những thí sinh cập nhật thời sự sẽ có thêm nguồn cảm hứng từ nhịp đập nóng hổi của những thông tin thể thao SEA Games, từ màu đỏ rực lửa trong những thành công của tuổi trẻ Việt trên những đường đua của đấu trường quốc tế, từ những cảm xúc nghẹn ngào của bao nhiêu khán giả và người hâm mộ... Các em sẽ có thêm nhiều trải nghiệm để được thêm nhiều điều quý giá từ một bài thi Ngữ văn.
Thay đổi toàn diện ở cả ba đề thi
Không chỉ với môn ngữ văn, cả đề thi môn tiếng Anh và đặc biệt là đề thi môn Toán của trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành đều có những thay đổi nhất định. Thay vì chỉ chủ yếu tập trung vào câu hỏi về cấu trúc ngữ pháp như những đề thi khác, bài luận “Tưởng tượng bạn mới trở về Việt Nam từ Singapore, nước chủ nhà SEA Games 28, hãy viết một đoạn khoảng 100 đến 120 từ về những điều bạn ấn tượng hoặc học được từ đất nước Singapore” đã buộc các học sinh phải phát huy trí tưởng tượng để nâng cao kỹ năng viết.
Đề thi văn tuyển sinh vào lớp 10 trường Nguyễn Tất Thành, Hà Nội
Cô Nguyễn Thùy Dương, tổ trưởng tổ Tiếng Anh, Trường THCS-THPT Nguyễn tất Thành cho hay “đề thi đã chú trọng yếu tố giao tiếp, văn hóa gắn với cuộc sống hằng ngày của học sinh”. Đề cũng yêu cầu ở học sinh nhiều hơn về kĩ năng sử dụng ngôn ngữ, kĩ năng đọc hiểu với 3 bài đọc hiểu. Đặc biệt bài viết luận đề cập đến vấn đề mang tính thời sự, tạo điều kiện để học sinh thỏa sức sáng tạo trong phần kĩ năng viết. Câu hỏi này cũng khuyến khích học sinh tích lũy những hiểu biết mang tính xã hội, cập nhật những vấn đề mang tính thời sự. Yêu cầu này đòi hỏi phải có năng lực sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh tốt.
Liên quan đến bài thi toán được nhiều học sinh cho biết là “bó tay” vì phải vận dụng cả kỹ năng hình học và đại số để tính toán độ dài đoạn thẳng qua vận tốc và quãng đường di chuyển của robot, thầy Lê Văn Cường, tổ trưởng Tổ toán của trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành thừa nhận, câu này khiến học sinh bất ngờ vì ít gặp dạng toán này.
Đề thi toán tuyển sinh vào lớp 10 trường Nguyễn Tất Thành, Hà Nội
“Bài toán có nội dung thực tế, học sinh phải vận dụng kiến thức hình học và đại số. Tuy câu này không khó nhưng học sinh phải tưởng tượng và vận dụng kiến thức để đề giải bài toán thực tế chứ không phải là học thuộc lòng kiến thức trong sách vở” – thầy Cường nói.
Bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành chia sẻ, với mục tiêu đổi mới kiểm tra đánh giá thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành thuộc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã có những điểm mới nhất định.
“Đổi mới trong đề thi Ngữ văn là xu hướng của những năm gần đây. Nhưng không chỉ đổi mới ở môn Ngữ văn, chúng tôi muốn thay đổi cả cách ra đề các môn học khác theo hướng đánh giá năng lực học sinh. Đổi mới cách ra đề kiểm tra để thầy cô thay đổi cách dạy và học sinh thay đổi cách học” – bà Thu Anh khẳng định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.