Hàng chục ngàn học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến, TP Hồ Chí Minh tính nhiều giải pháp hỗ trợ

PV-Thứ ba, ngày 07/09/2021 07:46 GMT+7

VTV.vn - TP Hồ Chí Minh hiện nay có khoảng 77.000 học sinh không có điều kiện học tập trên Internet.

Đây là số liệu được ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh đưa ra trong cuộc tọa đàm trực tuyến "Năm học mới trong đại dịch" do báo Người lao động tổ chức ngày 6/9.

Trong cuộc tọa đàm đặc biệt này, ông Hiếu đã chia sẻ những khó khăn lớn mà ngành giáo dục thành phố phải đối mặt để đảm bảo được chất lượng giáo dục cũng như nhiệm vụ của năm học.

Hàng chục ngàn học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến, TP Hồ Chí Minh tính nhiều giải pháp hỗ trợ - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh trao đổi tại chương trình

"TP Hồ Chí Minh đang trong đại dịch COVID-19, trong khó khăn chung của thành phố, ngành GD-ĐT TP Hồ Chí Minh hết sức khó khăn trong việc triển khai năm học mới. Cụ thể là năm học mới tại TP Hồ Chí Minh không có tựu trường, khai giảng, khởi đầu năm học đều trên môi trường internet.

Trước những thực tế tại TP Hồ Chí Minh, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND TP Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch năm học 2021-2022, trong đó, xác định học trên internet hết học kỳ I.

Riêng bậc mầm non, do đặc thù, khi nào kiểm soát được dịch mới có thể đưa HS quay trở lại trường. Riêng ở bậc phổ thông chia làm 2 chặng: Từ THCS-THPT, năm học vừa qua các em hơn 2 tháng đã học trên internet, cũng đã có kinh nghiệm nghe thầy cô, đọc tài liệu nên TP Hồ Chí Minh thực hiện theo khung thời gian của Bộ GD-ĐT, nên ngày 6/9 là bắt đầu năm học, ngoài ra còn học thêm qua truyền hình, học trên internet. Hai bậc học này khá chủ động dù học trực tuyến.

Còn ở bậc tiểu học, do lớp 1 chọn sách mới, lớp 2 chọn lại nên dạy hai lớp này khó khăn. Chính vì khó khăn nên hiện nay Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh phối hợp ghi hình các tiết dạy với Đài truyền hình, thầy cô được hướng dẫn sinh hoạt với phụ huynh vì ở bậc tiểu học vai trò của phụ huynh rất quan trọng. Đối với các em không có điều kiện học tập thì sở rà soát, hỗ trợ kịp thời, có các giải pháp như vận động thiết bị điện tử, làm việc với các đơn vị cung cứng…

Nếu với những học sinh khó khăn hơn nữa, thì chúng tôi xây dựng mạng lưới giáo viên tình nguyện để tổ chức các lớp học từ xa, cứ định kỳ thì 1 tuần, 2 tuần sẽ có trao đổi với phụ huynh để việc học hiệu quả", ông Hiếu cho biết trong chương trình tọa đàm ngày 6/9.

Làm thế nào để đảm bảo công bằng trong tiếp cận kiến thức qua học trực tuyến?

Trả lời câu hỏi của nhiều phụ huynh, làm thế để nào để đảm bảo công bằng trong tiếp cận kiến thức khi học trực tuyến trong bối cảnh, hàng chục hàng học sinh thiếu thiết bị học tập, ông Nguyễn Văn Hiếu, cho biết, Sở GD-ĐT thành phố đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ các em trong đó có việc dùng mạng lưới cộng tác viên để hỗ trợ từng nhà.

"Theo số liệu, TP Hồ Chí Minh hiện nay có khoảng 77.000 học sinh không có điều kiện học tập trên internet. Tuy nhiên đây là số liệu gồm cả những khó khăn về đi lại, đường truyền, không có phụ huynh kèm cặp…

Thực tế, còn khoảng 51.000 học sinh tiểu học gặp khó khăn khi học trực tuyến trong đó có khó khăn về đường truyền khi học trên Internet. Tại TP Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp, chẳng hạn như sáng 6/9, tại quận 10, UBND TP và quận 10 đã tổ chức trao tặng 100 máy tỉnh bảng cho học trên địa bàn quận 10 do doanh nghiệp tài trợ. Đây là giải pháp mà TP Thủ Đức và các quận, huyện cần tham khảo để doanh nghiệp chung sức với ngành GD-ĐT", ông Hiếu cho biết.

Hàng chục ngàn học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến, TP Hồ Chí Minh tính nhiều giải pháp hỗ trợ - Ảnh 2.

Các em học sinh học trực tuyến vì dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp (Ảnh minh họa)

"Hiện nay, ngoài chỉ đạo của Sở, các trường cũng thực hiện các giải pháp như vận động phụ huynh góp, trao tặng, vận động các doanh nghiệp… Sắp tới, Sở sẽ xin UBND TP chủ trương để các đơn vị giới thiệu các gói giải pháp chẳng hạn như thiết bị, đường truyền để cung ứng cho các trường và các em học sinh. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là dù phụ huynh có tiền cũng không mua được bởi việc đi lại khó khăn nên dù máy hư, máy cũ, ngay cả giáo viên không thể đi sửa được. Đối với trường hợp những học sinh vẫn không thể học trên internet, chúng tôi xây dựng phiếu học tập, ban đầu thầy cô sẽ giao bài, sau đó đội ngũ tình nguyện viên sẽ thu các phiếu đó đưa lại giáo viên để thầy cô biết được các em đang học ở mức độ nào.

Sở cũng đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch cho những đối tượng học sinh này, làm sao để các em vẫn có thể tiếp cận được việc học một cách thuận lợi nhất. Đối với những học sinh đang kẹt ở các tỉnh thì trên cơ sở chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh đều đã làm việc với các địa phương để tạo điều kiện thuận lợi học tập cho các em

Đối với những học sinh đang kẹt ở các tỉnh thì trên cơ sở chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh đều đã làm việc với các địa phương để tạo điều kiện thuận lợi học tập cho các em", ông Hiếu cho biết thêm.

Chương trình tọa đàm trực tuyến "Năm học mới trong đại dịch" do báo Người lao động tổ chức có sự tham dự của các khách mời: PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học - Bộ GD-ĐT; Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh và ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập NXB Giáo dục Việt Nam.

Chương trình đã thông tin, trao đổi về các vấn đề liên quan đến năm học mới như nhiệm vụ năm học mới trước tình hình dịch bệnh; chương trình phổ thông mới triển khai ra sao trong điều kiện hiện tại; đổi cách học trực tiếp sang trực tuyến để thích ứng với tình hình dịch bệnh, những khó khăn, thách thức hiện nay của giáo viên và học sinh.

Bên cạnh đó là những vấn đề liên quan đến sách giáo khoa làm sao đến tay học sinh khi các địa phương giãn cách; sách giáo khoa điện tử, bài giảng trực tuyến, giáo án trực tuyến: Xu hướng mới, giáo viên sáng tạo; học sinh chủ động tiếp cận ra sao...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước