Nỗi buồn khi phải giải thể trường do không thể chi trả nổi các chi phí là những gì chị Nguyễn Thị Nguyệt Nga, chủ nhóm lớp mầm non tư thục Tuệ Phúc ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đọc hàng ngày trên Facebook của các đồng nghiệp. Trường của chị cũng đang cầm cự từng tháng.
Vừa thành lập được 1 năm thì gặp cảnh khó, trường mầm non song ngữ Embassy ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng đang cố gắng cầm cự. 80 triệu tiền thuê nhà mỗi tháng, đàm phán mãi nhưng chủ nhà chỉ bớt cho vài triệu. Một vài tháng còn cố được, nhưng nếu dịch bệnh kéo dài, học sinh tiếp tục phải nghỉ học trong một thời gian dài thì lãnh đạo trường cũng không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Ở trường mầm non Vietkids Hà Nội, mỗi tháng, trường phải chi trả tiền thuê mặt bằng 300 triệu và trả lương giáo viên gần 500 triệu đồng. Với tình hình dịch bệnh hiện nay, khó có khả năng chi trả lương đầy đủ cho giáo viên nếu dịch bệnh còn kéo dài. Điều lo lắng nhất của lãnh đạo trường này là không giữ chân được giáo viên.
Theo đại diện Bộ GD&ĐT, toàn quốc hiện có 15.700 nhóm lớp mầm non tư thục. Đây là những cơ sở có quy mô dưới 70 học sinh, chủ trường hầu hết là những nhà đầu tư nhỏ, năng lực tài chính không dồi dào, chủ yếu trông chờ vào nguồn học phí từ học sinh. Nhiều cơ sở phải vay tiền ngân hàng để hoạt động. Việc không có nguồn thu học phí trong khi vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng, tiền lương giáo viên, trả nợ ngân hàng đang đẩy họ vào tình cảnh cạn kiệt về tài chính.
Hiện nay số trường ngoài công lập chiếm tỷ lệ gần 20% tổng số trường mầm non trên cả nước. Hơn 1,2 triệu học sinh mầm non đang theo học hệ thống này. Việc hàng loạt trường đã và đang có nguy cơ giải thể sẽ đặt áp lực rất lớn cho hệ thống giáo dục mầm non khi học sinh đi học trở lại.
Cùng chia sẻ khó khăn trong mùa dịch
Trong bản đề xuất gửi Thủ tướng Chính Phủ mới đây, Bộ GD&ĐT kiến nghị một số giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục quốc dân, trong đó có hệ thống mầm non tư thục như miễn giảm các loại thuế, phí, bảo hiểm, có gói tín dụng cho vay ưu đãi lãi suất 0% áp dụng cho đối tượng là các cơ sở giáo dục ngoài công lập vay nhằm duy trì hoạt động.
Riêng đối với kinh phí thuê mặt bằng, hiện chủ yếu là thỏa thuận giữa chủ trường và chủ cho thuê. Các trường hiện đang nỗ lực đàm phán với chủ đất để có thể giảm bớt gánh nặng tài chính do dịch.
Cũng trong chính lúc khó khăn này, đã có những chủ nhà sẵn lòng giảm hoặc thậm chí miễn phí tiền thuê mặt bằng cho chủ trường, thắp sáng tinh thần sẵn sàng chia sẻ vì cộng đồng và góp phần tích cực duy trì hệ thống trường lớp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!