Hiệu quả bước đầu mô hình phòng học thông minh tại Bắc Ninh

Theo TTXVN-Thứ ba, ngày 03/12/2019 06:00 GMT+7

Trường THPT Hàn Thuyên, thành phố Bắc Ninh sử dụng phòng học thông minh trong giảng dạy (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng 13 phòng thư viện điện tử và 855 phòng học thông minh cho các trường trung học cơ sở.

Mô hình phòng học thông minh triển khai tại các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh bước đầu đã phát huy hiệu quả, được đông đảo giáo viên, học sinh đón nhận. Tỉnh Bắc Ninh đang tiếp tục đầu tư trang thiết bị thông minh để nhân rộng mô hình này.

Ông Ngô Văn Liên - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiện nay, 100% phòng học tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư thiết bị thông minh, phục vụ việc dạy và học. Năm 2019, tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt đầu tư mua sắm thiết bị 19 phòng thư viện điện tử và 1.348 phòng học thông minh cho các trường trung học cơ sở, với tổng kinh phí gần 420 tỷ đồng. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong kế hoạch xây dựng thành phố thông minh của tỉnh Bắc Ninh.

Theo ông Ngô Văn Liên, đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng 13 phòng thư viện điện tử và 855 phòng học thông minh cho các trường trung học cơ sở. Mỗi phòng học thông minh được trang bị bảng tương tác thông minh dùng cho giáo viên kèm phần mềm tạo bài giảng tương tác, loa, máy chiếu cự ly gần dùng cho giáo viên, hệ thống âm thanh, micro không dây cầm tay, bộ thu phát không dây, micro cài áo và bộ thu phát... Đây là những trang thiết bị cần thiết giúp giáo viên và học sinh dễ dàng tương tác trong quá trình giảng dạy.

Năm học 2018-2019, Trường Trung học cơ sở Vệ An, thành phố Bắc Ninh được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh đầu tư 9 phòng học thông minh, với nhiều thiết bị như: Bảng tương tác, camera, mạng Internet, micro, loa đài. Từ đó, giúp giáo viên và học sinh dễ dàng tiếp cận với phương pháp giảng dạy hiện đại. Hiện 100% học sinh của nhà trường được tiếp cận với mô hình phòng học thông minh.

Giờ đây, mỗi tiết học của Trường Trung học cơ sở Vệ An trở nên thuận lợi hơn khi các lớp được trang bị đầy đủ thiết bị thông minh, phục vụ việc dạy và học. Cô Nghiêm Thị Quyên, giáo viên môn Tiếng Anh, Trường Trung học cơ sở Vệ An cho biết, cô và học trò rất hài lòng về cơ sở vật chất của trường. "Tôi cùng đồng nghiệp thường xuyên sử dụng các trang thiết bị phục vụ việc dạy, giúp bài giảng trở nên sinh động và học sinh hứng thú hơn trong từng tiết học ", cô Quyên nói.

Theo cô Quyên, một trong những lợi ích của phòng học thông minh đó là sự tương tác giữa thầy và trò, tăng khả năng tư duy, kỹ năng làm việc nhóm cho học sinh. Đối với môn Tiếng Anh, những thiết bị thông minh đã bổ trợ nhiều cho học sinh, nhất là kỹ năng nghe.

Trước đây, với học sinh Trường Trung học phổ thông Hàn Thuyên, thành phố Bắc Ninh, bộ môn khoa học là những giờ học khô khan. Từ khi lớp học được trang bị những thiết bị thông minh, môn học này trở nên sinh động, dễ hiểu hơn.

Em Nguyễn Khánh Linh, lớp 11A14, Trường Trung học phổ thông Hàn Thuyên chia sẻ: Việc áp dụng những thiết bị thông minh giúp em và các bạn dễ dàng tương tác với thầy, cô thông qua hình ảnh trực quan. Cùng với đó, việc sử dụng thường xuyên các thiết bị thông minh còn giúp học sinh nâng cao những kỹ năng môn Tin học.

Đối với các môn học xã hội, lớp học thông minh cũng được áp dụng rộng rãi. Nhờ đó những giờ học không còn nhàm chán. Thông qua hình ảnh trực quan, học sinh được tiếp cận với tác phẩm, nhân vật, sự việc cụ thể để hiểu rõ vấn đề hơn.

Hiệu quả bước đầu mô hình phòng học thông minh tại Bắc Ninh - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Thị Hoa, giáo viên môn Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Hàn Thuyên cho biết, khi tiếp cận với mô hình lớp học thông minh, trong mỗi bài học, học sinh được đặt trước những tình huống có vấn đề thực tiễn cần giải quyết. Đơn cử, đối với môn Ngữ văn, trong mỗi bài học, cô giáo và học sinh đều phải chuẩn bị hình ảnh, clip liên quan đến tác phẩm để trình chiếu, giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ tác phẩm hơn.

Cô Hoa dẫn chứng, mới đây, trong tiết học môn Ngữ văn với tác phẩm Chí phèo của nhà văn Nam Cao, thay vì chỉ giảng dạy lý thuyết thông thường như trong sách giáo khoa, cô giáo sẽ chia nhóm để học sinh thu thập tài liệu, hình ảnh, clip liên quan đến tác giả, tác phẩm để trình chiếu trên lớp. Việc làm này tuy mất nhiều thời gian nhưng học sinh được trải nghiệm. Từ đó giúp các em tiếp thu bài nhanh và chủ động hơn.

Hiệu quả bước đầu mô hình phòng học thông minh tại Bắc Ninh - Ảnh 2.

Những năm qua, học sinh ở các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cũng được tiếp cận với mô hình lớp học thông minh. Cô Phạm Thị Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lương Tài, huyện Lương Tài cho biết, trước đây, học sinh, nhất là các em sinh sống ở vùng nông thôn thường nhút nhát, không dám nói lên suy nghĩ, quan điểm của bản thân. Từ khi nhà trường đưa thiết bị thông minh vào trong các tiết học, học sinh tích cực tham gia, hợp tác và tương tác với thầy cô. Thiết bị thông minh không chỉ giúp các em dễ dàng tiếp thu bài giảng mà còn phát huy khả năng tư duy, sáng tạo của học sinh.

Theo cô Phạm Thị Thủy, để bảo quản trang thiết bị thông minh, nhà trường yêu cầu các thầy, cô xây dựng kế hoạch cá nhân để sử dụng những thiết bị này. Chính học sinh sẽ đánh giá mức độ sử dụng các thiết bị thông minh trong mỗi bài giảng của thầy cô. Đây là một trong những tiêu chí để nhà trường bình xét các danh hiệu của giáo viên hàng năm.

Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, các thiết bị thông minh cũng phát sinh một số lỗi như: Cảm ứng bảng thông minh, bút thông minh, hệ thống loa bị hỏng, trục trặc gây khó khăn cho giáo viên, học sinh trong quá trình dạy và học. Đặc biệt, khi các thiết bị thông minh hỏng trên thị trường không có thiết bị tương thích, do vậy, nhà trường phải liên hệ với Sở Giáo dục và Đào tạo để có thiết bị thay thế. Trong khi đó, một số giáo viên, nhất là các giáo viên có tuổi việc sử dụng, ứng dụng thiết bị thông minh gặp nhiều khó khăn.

Năm 2020, tỉnh Bắc Ninh đề ra mục tiêu 100% các lớp tại các trường trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh được trang bị phòng học thông minh. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh Ngô Văn Liên, thời gian tới, Sở sẽ rà soát, kiểm tra, bảo trì định kỳ để đảm bảo các thiết bị không xảy ra hỏng hóc, làm ảnh hưởng đến việc dạy và học. Sở sẽ tăng cường tập huấn cho giáo viên và học sinh sử dụng thành thạo các trang thiết bị; đồng thời, tham mưu UBND tỉnh đầu tư, mua sắm các thiết bị phòng thư viện điện tử, phòng học thông minh.

Phương pháp tạo động lực kích thích trẻ sáng tạo trong học tập Phương pháp tạo động lực kích thích trẻ sáng tạo trong học tập

VTV.vn - Chỉ với sự tâm huyết và lòng yêu trẻ mới có thể tiếp thêm động lực cho người giáo viên mầm non kiên trì soạn những giáo án hay với những bài học bổ ích cho con trẻ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước