Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc, tiếng mẹ đẻ là những thành phần thiết yếu của một nền giáo dục có chất lượng. Tại Việt Nam nhiều dân tộc có tiếng nói, chữ viết riêng thể hiện sự đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ. Giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ, được xem là một trong các giải pháp giúp cho trẻ em các dân tộc, tiếp cận với giáo dục một cách thuận lợi và chất lượng hơn.
Xã Bản Phố, huyện Bắc Hà có 100% đồng bào người Mông. Nhiều thôn bản xa, đường đến trường còn khó khăn, cách trở. Các em học sinh người Mông đến trường học tiếng Việt nhiều bỡ ngỡ, không hiểu bài lại khó khăn trong giao tiếp với thầy cô nên ngại học, ngại đến lớp. Từ năm học 2009-2010, trường Tiểu học Bản Phố thực hiện chương trình giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ.
Tại 3 huyện thực hiện mô hình giáo dục song ngữ là Sapa, Si Ma Cai, Bắc Hà, tỉ lệ học sinh tiểu học tham gia chương trình giáo dục song ngữ thi đỗ vào các trường phổ thông Dân tộc nội trú là 85%.
Đánh giá của Viện Khoa học giáo dục cho thấy, học sinh được học chương trình giáo dục song ngữ phát triển tốt về ngôn ngữ, tự tin hơn khi học tiếng Việt. Đại diện của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc cũng cho rằng, chương trình này đã giúp trẻ em biết sử dụng tiếng nói, chữ viết và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!