Học gì để làm chủ?

Theo NLĐ-Chủ nhật, ngày 21/02/2016 00:00 GMT+7

Hơn 1.500 học sinh ở tỉnh Gia Lai đã khuấy động không khí chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” với phần hỏi - đáp sôi nổi, giàu trí tuệ

Từ 7 giờ 30 phút ngày 20-2, học sinh (HS) từ các trường THPT trên địa bàn TP Pleiku, tỉnh Gia Lai gồm: Chuyên Hùng Vương, Pleiku, Phan Bội Châu, Lê Lợi, Hoàng Hoa Thám, Dân tộc Nội trú... đã có mặt tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Gia Lai. Dù sức chứa của hội trường lên đến 1.500 người nhưng vẫn không đủ chỗ ngồi do sự có mặt ngoài dự đoán của rất nhiều thí sinh tự do và HS các trường lân cận nên ban tổ chức phải huy động thêm hàng trăm ghế phụ. Nhiều HS sẵn sàng đứng để đặt câu hỏi và theo dõi chương trình.

Cần biết mình là ai

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng Ban Đào tạo ĐH và sau ĐH của ĐHQG TP HCM, kỳ thi năm nay không thay đổi nhiều so với năm 2015 và phát huy thế mạnh kỳ thi trước theo hướng có lợi cho thí sinh. Hình thức đăng ký xét tuyển được đơn giản hóa bằng cách nhận hồ sơ qua internet hoặc gửi bưu điện. Mỗi thí sinh đăng ký tối đa 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng. Ở đợt xét bổ sung, thí sinh đăng ký tối đa 3 trường, mỗi trường 2 ngành. Điểm mới của kỳ thi năm nay là một số trường có khả năng xét tuyển theo nhóm giúp tăng cơ hội cho thí sinh.

Thí sinh đặt câu hỏi cho ban tư vấn chương trình. Ảnh: Huy Lân

Mở đầu phần tư vấn, ban tư vấn bất ngờ bởi câu hỏi của Ngô Duy Hưng, HS lớp 12C4 Trường THPT Phan Bội Châu: “Học xong THPT thì nên làm gì? Quá trình học ĐH nhằm mục đích gì? Học như thế nào để có việc làm? Làm thế nào để thành công?”. ThS Phạm Thế Vinh, Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho rằng ở lứa tuổi như các em, biết băn khoăn, trăn trở là rất tốt. Học ĐH là một trong những con đường để vào đời, nhằm có một ngành nghề cho bản thân, giúp ích cho gia đình và xã hội. Với những trăn trở chính đáng như trên, HS sẽ chọn được hướng đi đúng đắn.

Theo ThS Hoàng Đức Bình, Giám đốc truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen, không phải cứ học ĐH là đi làm tốt mà đó chỉ là kiến thức đại cương, sau khi tốt nghiệp cần học thêm về ngành nghề mình đã chọn. Đặc biệt, cần biết mình là ai, năng lực tới đâu để tìm hướng đi đúng.

HS Hồ Ngọc Hương, Trường THPT Chuyên Hùng Vương, tiếp tục khiến hội trường “bùng nổ” với câu hỏi: “Năm 2015, các trường tốp đầu xuất hiện những thí sinh biết chắc sẽ đậu ĐH nhưng vẫn đợi hạn cuối mới nộp hồ sơ làm thí sinh tốp dưới bị đẩy ra ngoài. Làm sao để em và các bạn năm nay không trở thành “nạn nhân” như vậy trong kỳ thi năm 2016?”.

Giải tỏa thắc mắc này, TS Nguyễn Quốc Chính cho rằng không có phương án tuyển sinh nào là hoàn hảo và đây là cuộc chơi khá công bằng. Với tuyển sinh 3 chung, thí sinh nộp hồ sơ và thi xong mới được công bố kết quả nên không có cơ hội chọn trường lần nữa. Trong khi đó, kỳ thi 2 trong 1 năm nay sẽ nhiều thay đổi giúp thí sinh có tính chủ động cao. “Những thí sinh mà em đề cập có thể không cố ý đợi phút cuối mới nộp hồ sơ mà do nộp hồ sơ vào các trường cao hơn, bị loại nên phải nộp vào các trường khác ở giờ chót” - TS Chính lý giải.

Kiên nhẫn nán lại phút chót

Khi chương trình đã đến những phút cuối, hội trường vẫn không ngừng “nóng” bởi những câu hỏi rất đáng suy ngẫm.

HS Nguyễn Huỳnh Bảo Hân, Trường THPT Hoàng Hoa Thám, hỏi: “Em học chăm chỉ nhưng học lực chỉ bình thường. Ba mẹ mong muốn em vào ĐH vì cho rằng chỉ đi con đường này mới có tương lai và doanh nghiệp nào cũng cần người có tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi. Vậy, người học lực bình thường như em nơi nào cần? Theo ban tư vấn, ĐH không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công?”. Ban tư vấn cho biết nhiều HS học lực bình thường nhưng khi ra trường, nhờ nỗ lực đã làm được những điều mà nhiều HS học lực giỏi chưa chắc làm được. Điều nhà tuyển dụng quan tâm là nhân viên có làm việc được không chứ không chỉ là tấm bằng. Để được trọng dụng, các em phải thực hành nhiều ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Câu hỏi khác cũng khiến ban tư vấn thích thú là của một HS Trường THPT Chuyên Hùng Vương: “Em muốn lập nghiệp ở tỉnh Gia Lai nhưng không muốn làm thuê, chỉ muốn làm chủ. Vậy, em học ngành nào nếu muốn thành công trên con đường này?”. Theo ThS Tô Hoài Thắng, Phó Phòng Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, rất khó trả lời đâu là ngành học tốt nhất hiện nay và ngành nào sẽ giúp chúng ta dễ dàng thành công, làm ông chủ. Tuy nhiên, điều trước tiên, HS hãy xác định ngành nghề mình đang yêu thích và muốn hướng đến, sau đó mới xét đến các vấn đề khác. “Theo tôi, học ngành nào ra trường cũng đều có thể làm chủ được, nếu bạn thực sự tài giỏi” - ThS Thắng khẳng định.

Chương trình kết thúc lúc 9 giờ 45 phút cùng ngày trong sự tiếc nuối của HS tỉnh Gia Lai. Hình ảnh đẹp nhất các em để lại trong lòng những người làm chương trình là những HS thông minh, kiên nhẫn nán lại đến phút chót để được đặt câu hỏi cho từng chuyên gia và tự tay dọn dẹp chỗ ngồi của mình trước khi ra về.

Từ khóa:

ĐHQG TP HCM

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước