Chia sẻ tại một buổi tọa đàm, ông Đỗ Văn Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, Chương trình 9+ có rất nhiều ưu điểm như tiết kiệm chi phí, thời gian...
Theo ông Giang. nếu các em học sinh chọn phương án là từ THCS lên THPT sau đó mới học trung cấp, học cao đẳng thì phải mất đến 5 - 6 năm mới có thể tốt nghiệp THPT và có bằng cao đẳng, học phí cũng sẽ mất nhiều hơn.
Tuy nhiên, ông Giang cho biết, nếu học theo mô hình của giáo dục nghề nghiệp Chương trình 9+, học sinh tốt nghiệp THCS theo học 1-2 năm trung cấp theo luật quy định sẽ cùng lúc có thể học cả văn hóa học cả học nghề. Sau đó, các em học thêm 1-2 năm nữa sẽ có bằng cao đẳng khi các em thi đủ và đảm bảo được khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Từ năm 2020, học sinh tốt nghiệp lớp 9 có quyền đăng ký thẳng hệ đào tạo cao đẳng thay vì phải học qua trình độ trung cấp. Đây được xem là xu hướng phân luồng, đang được xã hội quan tâm trong mùa tuyển sinh năm nay. Luật Giáo dục sửa đổi (có hiệu lực từ 1/7/2020) có những tác động đến công tác tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp. Điểm mới đáng chú ý là học sinh tốt nghiệp lớp 9 có thể đăng ký học hệ cao đẳng chính quy. Tổng thời gian học là 4 năm, bao gồm các môn học văn hóa.
Chương trình 9+ cho phép học sinh học nghề kết hợp học văn hóa, học sinh hết lớp 9 được học thẳng lên cao đẳng với nhiều ngành nghề, giải quyết tốt việc làm sau đào tạo... Ảnh minh họa
Với học sinh, đây là một trong những con đường ngắn và phù hợp với năng lực nhiều em để có một nghề nghiệp và thu nhập ổn định. Gia nhập thị trường lao động sớm hơn, cơ hội tạo lập tương lai cũng vững vàng hơn.
Chia sẻ về chương trình 9+, đại diện trường Cao đẳng Công Thương Hà Nội cho biết đã tổ chức thực hiện việc tuyển sinh và phối hợp đào tạo hệ hai văn bằng (mô hình 9+) cho đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS.
Là một trong những trường tiên phong đón đầu chương trình 9+, trường Cao đẳng Công Thương Hà Nội đã tổ chức thực hiện việc tuyển sinh và phối hợp đào tạo hệ hai văn bằng (chương trình 9+) cho đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở.
Năm nay, trường tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS hệ song bằng (vừa có bằng tốt nghiệp THPT do Sở Giáo dục và Đào tạo cấp vừa có bằng tốt nghiệp cao đẳng chính quy do Nhà trước cấp sau 4 năm học), phù hợp chủ trương phân luồng học sinh.
Với loại hình đào tạo này Nhà trường đào tạo kiến thức văn hóa đầy đủ và trong đó xác định có những môn học trọng tâm: Giáo dục Công dân, Tin học ứng dụng, Ngoại ngữ. Như vậy, đối tượng tốt nghiệp THCS vừa được học văn hóa, vừa được học nghề.
Hiện nay, nhiều nhà trường cũng áp dụng mô hình này. Tuy nhiên, điều khác biệt của trường Cao đẳng Công Thương Hà Nội là đào tạo văn hóa THPT do Trường THPT Hoàng Mai đảm nhiệm. Từ đó, việc quản lý toàn diện học sinh của ngôi trường trên đường Vũ Trọng Phụng, Hà Nội này được khép kín từ những vấn đề ý thức, đạo đức, nề nếp, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp theo đúng nội quy của nhà trường.
Lễ trao bằng tốt nghiệp, sinh viên Trường Cao đẳng Công Thương Hà Nội được doanh nghiệp ký kết hợp tác với trường nhận đi làm ngay. Ảnh: Nhà trường cung cấp.
Cũng theo đại diện Nhà trường, để có đầu ra mang lại thu nhập cao cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, Trường Cao đẳng Công Thương Hà Nội đã liên kết, hợp tác trong và ngoài nước trao đổi học sinh đi làm, đi du học nghề tại các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Canada, Đức... Sau tốt nghiệp cao đẳng, sinh viên được giới thiệu, bố trí việc làm tại các doanh nghiệp tham gia ký kết, hợp tác đào tạo với nhà trường.
Nhiều phụ huynh được hỏi chia sẻ, mô hình đào tạo này khá hay và phù hợp với con em mình. Chương trình 9+ giúp các em học sinh được tiếp xúc với thực tế, khiến các cháu hứng thú hơn và tự học tập. Ngay sau khi hoàn thành chương trình, phía nhà trường đưa đến các doanh nghiệp đã đặt hàng để làm việc ngay. So với các em có học lực trung bình, đây là một mô hình phù hợp. Ngược lại, với nhiều em học đại học và ra trường vẫn có khả năng bị thất nghiệp, thực tế là phải đi học nghề từ đầu, gây lãng phí cả kinh tế của gia đình cũng như công sức của các em.
Trong khi đó, về phía nhà tuyển dụng, trong quá trình phỏng vấn, lựa chọn hồ sơ ứng viên, các công ty thường lưu ý đến hồ sơ của lao động đã từng học nghề. Thứ nhất, đây là lực lượng có kinh nghiệm thực tế trong công việc, không đòi hỏi quá cao về mức lương. Thứ hai, đây là những lao động chịu được áp lực công việc, có kỹ năng xử lý tình huống tốt và năng lực thích nghi cao.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho hay, từ 2018 tới nay kết quả phân luồng đạt kết quả tốt hơn. Hàng loạt giải pháp mới được triển khai như Đề án 522 về phân luồng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo đẩy mạnh đổi mới chương trình đào tạo dành cho học sinh hết lớp 9 (các chương trình 9+), cho phép học sinh học nghề kết hợp học văn hóa, học sinh hết lớp 9 được học thẳng lên cao đẳng với nhiều ngành nghề, giải quyết tốt việc làm sau đào tạo...
Hiện mỗi năm có hàng chục nghìn học sinh lớp 9 ở cả nông thôn và thành thị đứng trước ngã rẽ lựa chọn tiếp tục theo học THPT hay đi học nghề để đi làm sớm. Nhu cầu thị trường lao động lớn, nhưng nguồn nhân lực vừa thiếu vừa lãng phí. Vấn đề đặt ra là làm sao để công tác hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông thực sự đúng và trúng, để kể cả khi đã lựa chọn học nghề, người học cũng yên tâm và được đảm bảo về đầu ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!