Học tiếng Anh liên kết: Tự nguyện hay ép buộc?

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 29/09/2023 21:04 GMT+7

VTV.vn - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có công văn gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc rà soát, báo cáo tình hình các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.

Trên thực tế, các hoạt động như giáo dục kỹ năng sống; liên kết dạy ngoại ngữ, dạy tin học tăng cường; tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường, đã góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng và giáo dục nhân cách toàn diện cho người học. Tuy nhiên, công tác quản lý còn có hạn chế dẫn đến băn khoăn, lo lắng của phụ huynh về chất lượng và tạo ra dư luận không tốt thời gian qua.

Trên cơ sở đó, Bộ đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường chỉ đạo các trường học thực hiện nghiêm các quy định về liên kết, tổ chức, triển khai hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Ngoài ra, các Sở gửi thông tin đánh giá và kiến nghị về hoạt động này ở địa phương về Bộ trước ngày 15/10.

Trước đó, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng đã thông báo chấn chỉnh hoạt động liên kết dạy thêm giữa nhà trường với các trung tâm. Thực tế, thời gian gần đây, nhiều phụ huynh bức xúc vì dù là theo kiểu tự nguyện nhưng nhiều gia đình không thể không tham gia, vì nếu không sẽ ảnh hưởng đến con mình.

Theo ghi nhận việc dạy tiếng Anh liên kết ở một số nơi tại thành phố Hải Phòng, đầu năm học, học sinh phải viết tay một tờ đơn theo mẫu được in sẵn mang tên đăng ký học thêm tiếng anh liên kết. Nhiều phụ huynh cho biết, họ cảm thấy không hài lòng về cách tổ chức dạy học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài, nhất là có con học lớp 12, đang lo chuẩn bị cho nhiều kỳ thi phía trước.

"Kể cả các cháu không muốn học, nhưng nhà trường cứ bắt ép các cháu học. Đối với chất lượng thì không đảm bảo cho các cháu vì học 1 tuần/buổi tiếng Anh người nước ngoài, nó không đi đến đâu cả", phụ huynh Trường THPT Lê Hồng Phong, thành phố Hải Phòng cho biết.

Học tiếng Anh liên kết: Tự nguyện hay ép buộc? - Ảnh 1.

Trường THPT Lê Hồng Phong đã liên kết với Trung tâm Ngoại ngữ Đặng Tuấn để triển khai hoạt động dạy ngoại ngữ được 3 năm, cho gần 1.500 học sinh. Trung tâm này cũng đang dạy tăng cường tiếng Anh cho gần 30 trường học trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Bà Đặng Kiều Trinh - Phó Giám đốc Trung tâm ngoại ngữ Đặng Tuấn, thành phố Hải Phòng cho biết: "Không thể nói 1h của người nước ngoài ở trong lớp sỹ số đông là không tốt. Vì mình nghĩ đấy là ý kiến phiến diện. Mình thấy nó hiệu quả, mang lại các con môi trường giao tiếp".

Trao đổi với phóng viên, đại diện nhà trường cho biết, đã nhận được phản ánh của phụ huynh và ngay sau đó cho ngừng dạy tiếng Anh tăng cường đối với học sinh lớp 12, chỉ duy trì với hai khối còn lại.

Ông Đinh Hồng Tiệp - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong, thành phố Hải Phòng cho hay: "Mình làm công tác tư tưởng chưa tốt dẫn tới các cháu có ý kiến này, ý kiến kia. Chính vì vậy, chúng tôi ngồi lại xem xét trong khâu tiếp cận của mình có vấn đề gì không, để điều chỉnh để làm sao mục tiêu tốt hơn và đáp ứng không chỉ khóa này mà khóa sau được tốt hơn".

Đối với các bậc học còn lại, theo phụ huynh họ bị đẩy vào thế bắt buộc phải đăng ký, vì mẫu đơn được gửi thẳng tới bố mẹ. Một số gia đình vẫn phải cho con học mặc dù xét thấy không hiệu quả. Nhưng một số phụ huynh khác thì chọn phương án cứng rắn hơn.

Phụ huynh có con học THCS, thành phố Hải Phòng cho biết: "Đầu tiên là mình cũng như phụ huynh khác thấy triển khai cái gì là cho con học cái đó thôi. Nhưng quan trọng là đầu tư đấy phải đúng lúc, đúng chỗ và có hiệu quả. Mình không tiếc con cái cái gì cả, mình thấy không hiệu quả là mình dừng".

Hiện tại, Hải Phòng có 36 trung tâm ngoại ngữ liên kết với 320 trường học ở địa phương để dạy tiếng Anh tăng cường.

Bà Đỗ Thị Hòa - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho biết: "Để có thể đảm bảo được chất lượng dạy tiếng Anh có yếu tố liên kết với người nước ngoài, quan trọng nhất là vai trò đứng đầu của hiệu trưởng trong việc giám sát chất lượng. Về phía quản lý, thành phố Hải Phòng sẽ tăng cường quản lý đối với hoạt động dạy liên kết này".

Việc học thêm tiếng Anh, đặc biệt với giáo viên nước ngoài đã tạo thêm cơ hội nâng cao khả năng giao tiếp cho học sinh. Mục đích và mục tiêu rèn luyện ngoại ngữ là tốt, nhưng thước đo cuối cùng vẫn phải là sự tiến bộ của học sinh. Đầu tuần tới, thành phố Hải Phòng sẽ tiến hành thanh kiểm tra hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, trong đó có tiếng Anh liên kết tại các cơ sở giáo dục.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước