Hội nhập ASEAN trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp - Cơ hội và thách thức

Theo TTXVN-Thứ ba, ngày 19/01/2016 08:35 GMT+7

Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: thoibaotaichinhvietnam.vn)

VTV.vn - Ngày 18/1, tại Hà Nội, Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo hội nhập ASEAN trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp - Cơ hội và thách thức.

Hội thảo nhằm lấy ý kiến của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước; các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các chuyên gia, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp để trao đổi, thảo luận, làm rõ những thuận lợi, khó khăn; đồng thời, đề xuất các giải pháp để hội nhập thành công vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp của các nước trong khu vực ASEAN.

Hội thảo nhận định: Ngày 31/12/2015, toàn khối ASEAN đã hình thành một cộng đồng "thống nhất trong đa dạng", với 3 trụ cột chính là Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC); Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC). Cộng đồng AEC nhằm mục tiêu tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động qua đào tạo, từ đó nâng cao tính cạnh tranh, thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho cả khu vực; tạo sự hấp dẫn với đầu tư, kinh doanh từ bên ngoài.

Việc lao động qua đào tạo được di chuyển tự do sẽ thông qua các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (Mutual Recognition Arrangements - MRAs). Đến nay, ASEAN đã có thỏa thuận trong 8 lĩnh vực ngành nghề (tức là có 8 ngành nghề được tự do di chuỵển) gồm: Dịch vụ kỹ thuật, điều dưỡng, kiến trúc, khảo sát, y khoa, nha khoa, kế toán và du lịch. Cũng theo các thỏa thuận, nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia, thợ lành nghề), trong đó, có nhân lực được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngừ, đặc biệt là tiếng Anh, được di chuyển tự do hơn.

Với việc hình thành Cộng đồng ASEAN, giáo dục nghề nghiệp cũng như nhiều lĩnh vực khác ở Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi hơn để phát triển nhưng đồng thời cũng phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Những khó khăn, thách thức của giáo dục nghề nghiệp xuất phát từ chính bản thân những hạn chế yếu kém của nhân lực Việt Nam nói chung: Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề thấp (chỉ đạt 38,5%); chất lượng lao động còn nhiều hạn chế; năng suất lao động thấp; cơ cấu lao động bất hợp lý, nhiều lao động trình độ đại học, ít trình độ lao động kỹ thuật trực tiếp (1 người đại học nhưng chỉ có 0,35 người trình độ cao đẳng, 0,65 người trình độ trung cấp và 0,4 người trình độ sơ cấp)... Do vậy, để phát triển, trong thời gian tới đây, cần phải có những giải pháp để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, đưa giáo dục nghề nghiệp Việt Nam hội nhập được với các nước trong khu vực.

Thực hiện Quyết định số 2448/QĐ-TTg ngày 16/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang chuẩn bị xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án trên. Kế hoạch tập trung vào việc xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp phù hợp với xu thế hội nhập; hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp để hội nhập quốc tế; triển khai áp dụng khung trình độ quốc gia; nâng cao chất lượng dạy nghề, tiếp cận các chuẩn khu vực và thế giới...

Theo nhiều đại biểu, để chuẩn bị cho giáo dục nghề nghiệp Việt Nam hướng tới hội nhập ASEAN, quốc tế giai đoạn 2016-2020 cần đào tạo mới trình độ cao đẳng, trung cấp; xây dựng quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với trình độ trung cấp, cao đẳng cho các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia; tiếp tục chuyển giao 50 bộ chương trình cấp độ quốc tế từ nước ngoài được quốc gia chuyển giao hoặc tổ chức giáo dục, đào tạo quốc tế có uy tín kiểm định và công nhận đạt chất lượng quốc tế.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước