Tuy nhiên, do dịch bệnh, một số địa phương như TP Hồ Chí Minh , Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Hậu Giang... sẽ không tổ chức lễ khai giảng trong ngày 5/9.
Hà Nội tổ chức lễ khai giảng trực tuyến tại Trường THCS Trưng Vương. Ảnh: NDO
Tại một số địa phương không ghi nhận các ca mắc COVID-19 mới hoặc không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày vừa qua như Phú Thọ, Thái Bình, Yên Bái, Hà Giang… cũng chọn tổ chức lễ khai giảng kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến, tùy theo điều kiện của từng trường.
Năm học 2021-2022 được ngành Giáo dục và Đào tạo xác định tiếp tục thực hiện phương châm "tạm dừng đến trường, không dừng học". Vì thế, dù không thể tựu trường nhưng các nhà trường đều cố gắng để mỗi học sinh đều được dự lễ khai giảng phù hợp với diễn biến của dịch COVID-19.
Các khâu chuẩn bị cho buổi lễ khai giảng của Trường THCS Trưng Vương đã sẵn sàng. Ảnh: TTXVN
Năm học 2021-2022 được xác định là năm học khó khăn, với nhiều biến động. Ngành giáo dục đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo quyền được học tập của học sinh một cách bài bản, chất lượng và hiệu quả.
Ngành giáo dục cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, với phụ huynh học sinh, nhằm triển khai các nhiệm vụ năm học, gắn kết học sinh với nhà trường, thầy cô, bạn bè một cách chặt chẽ trong năm học mới.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Kon Tum có hơn 700 học sinh và giáo viên chưa thể bắt đầu năm học mới.
Có hơn 600 học sinh và 36 cán bộ, giáo viên và nhân viên đang ở các tỉnh, thành khác chưa về được Kon Tum. Sở GD&ĐT Kon Tum cũng cho biết, địa phương hiện tại có 91 cán bộ, giáo viên và nhân viên đang cách ly y tế.
Sở sẽ thành lập các lớp học trực tuyến cho các học sinh đang ở địa phương khác và phân công giáo viên nhà trường nơi các em theo học hỗ trợ trực tuyến thêm cho các em về việc đăng nhập tài khoản học trực tuyến.
Các địa phương đang có dịch và thực hiện Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16, trước mắt tổ chức dạy học trực tuyến; ưu tiên nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến. Đây là một trong những nội dung trong Chỉ thị mà Thủ tướng vừa ban hành về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19.
Chỉ thị yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, địa phương chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch năm học linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên học tập, vừa bảo đảm sức khoẻ, vừa hoàn thành chương trình giáo dục theo kế hoạch và bảo đảm chất lượng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phải hướng dẫn các gia đình trong việc phối hợp với nhà trường chăm sóc, giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên bảo đảm an toàn, hiệu quả trong thời gian học trực tuyến; chỉ đạo các nhà xuất bản cung cấp sách giáo khoa (cả bản điện tử) đầy đủ, thuận lợi cho học sinh khi bước vào năm học mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!