Sáng 5/9, hơn 23 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước đã khai giảng năm học mới 2018-2019, đúng Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Trong ngày khai giảng, nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tới dự lễ khai giảng năm học mới, chung vui cùng học sinh, sinh viên trên toàn quốc.
Trong không khí vui tươi của ngày khai giảng năm học mới 2018-2019, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi đến các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã và đang công tác trong ngành Giáo dục, các bậc phụ huynh cùng toàn thể các em sinh viên, học sinh cả nước những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Chủ tịch nước cho biết, năm học vừa qua, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai các hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đạt được những kết quả tích cực. Chất lượng giáo dục các cấp học được nâng lên. Các đoàn học sinh Việt Nam tham dự các kỳ Olympic và các cuộc thi khoa học - kỹ thuật khu vực, quốc tế đều đạt giải cao, được bạn bè quốc tế mến phục. Nước ta lần đầu tiên có Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh nằm trong top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước biểu dương sự nỗ lực phấn đấu và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả, thành tích mà ngành Giáo dục đã đạt được trong năm học vừa qua.
Màu áo trắng trong lễ khai giảng (Ảnh: Bin Leo)
Chủ tịch nước cho rằng, bước vào năm học mới, ngành Giáo dục cần phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng tốt nhất yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lễ khai giảng ở các trường được tổ chức ngắn gọn, đảm bảo trang nghiêm và hướng đến học sinh.
Các hoạt động trong phần lễ gồm chào cờ, hát Quốc ca; tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; đọc thư của Chủ tịch nước nhân ngày khai trường; tuyên bố khai giảng năm học mới và đánh trống khai trường. Ở phần hội, các trường tổ chức hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi vui tươi để ngày khai giảng thực sự mở đầu cho một năm học với những cảm xúc thiêng liêng và tràn đầy hứng khởi.
Ngành Giáo dục nỗ lực chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm học 2018 – 2019 là năm học có tính chất bản lề trong lộ trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29. Năm học này, toàn ngành giáo dục sẽ bị chuẩn bị cơ sở vật chất hạ tầng, đội ngũ giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu ở lớp 1 theo Nghị quyết số 51/2017/QH14.
Các em học sinh trường Chu Văn An trong lễ khai giảng (Ảnh: Bin Leo)
Bộ trưởng Nhạ cho rằng, công tác chuẩn bị này có ý nghĩa quyết định tới sự thành bại của việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới (CT GDPT) mới. Việc thực hiện thành công CT GDPT mới ở lớp 1 sẽ tạo đà tích cực để tiếp tục thực hiện CT mới ở lớp 6 và lớp 10. Rõ ràng đây là một nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi toàn ngành GD phải tập trung toàn bộ nguồn lực, nỗ lực để ưu tiên thực hiện.
Bên cạnh nhiệm vụ lớn đó, năm học mới 2018-2019 cũng phải giải quyết các nhiệm vụ có tính chất thường xuyên thường niên cứ đến hẹn lại lên như: câu chuyện đạo đức văn hóa lối sống trong trường học, thiếu trường lớp, giáo viên…
Khắc phục khó khăn cho kịp ngày khai giảng ở vùng lũ
Trong khi đó, tại khu vực miền núi phía Bắc hay Thanh Hóa, Nghệ An vẫn còn có những trường đã không thể chuẩn bị kịp cho ngày khai giảng vì mọi cơ sở vật chất phục vụ cho năm học mới đều bị lũ cuốn trôi. Đặc biệt, khu vực huyện miền núi Mường Lát (Thanh Hóa) đường sá hư hỏng, giao thông chia cắt.
Tuy nhiên, với tinh thần vượt khó, các thầy cô cũng như phụ huynh học sinh vẫn nỗ lực hết sức mình để đảm bảo cơ sở vật chất kịp thời cho ngày khai giảng năm học mới.
Theo ghi nhận của phóng viên VTV, huyện có 9 xã thì 7 xã chỉ có thể đi bộ, đường giao thông bị phá hủy. Bản Poọng, xã Tam Chung thiệt hại nặng nhất với 65 nhà bị sập và hư hỏng, có nơi đất vùi hơn 2m.
Trong sáng nay, hơn 300 học sinh 3 cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tại Tam Chung là nơi sạt lở nghiêm trọng nhất của huyện Mường Lát, Thanh Hóa đã cùng tham dự lễ khai giảng. Nơi tổ chức là sân trường tiểu học đã được dọn dẹp để các em và thầy cô ngồi dự.
Nhiều em học sinh không kịp tham gia lễ khai giảng vì sạt lở đường, nhà bị vùi lấp. (Ảnh: Nguyễn Ngân)
Lễ khai giảng rất xúc động với những câu chuyện chia sẻ về những khó khăn của thầy trò các trường những ngày này.
Trước đó, sạt lở đã khiến nhiều phòng học, nhà bán trú, nhà công vụ giáo viên bị vùi lấp nên nhiều lớp học chưa thể bắt đầu. Sau lễ khai giảng, các em học sinh và thầy cô tiếp tục việc dọn dẹp, khắc phục hậu quả sạt lở.
Lễ khai giảng bên dòng suối ở Lai Châu
Ngày hôm nay, cùng với các em học sinh trong cả nước, các em học sinh ở các trường vùng khó của Lai Châu cũng bước vào khai giảng năm học mới. Nhưng có một điều khác là các em không được ngồi khai giảng trong một ngôi trường rộng rãi, khang trang mà khai giảng ngay bên dòng suối.
Lễ khai giảng của thầy và trò hai trường phổ thông dân tộc bán trú THCS và Tiểu học Nậm Ngà, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (Ảnh: Thầy giáo Nguyễn Long Khánh - Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú, THCS Nậm Ngà - Xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu)
Đó là câu chuyện khai giảng năm học mới của thầy và trò hai trường phổ thông dân tộc bán trú THCS và Tiểu học Nậm Ngà xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Vì sân trương hẹp không đủ chỗ để tổ chức khai giảng nên nhiều năm nay thầy và trò phải khai giảng ngay cạnh suối Nậm Ngà.
Tổng số học sinh của hai trường là 558 em. Tuy nhiên trong ngày khai trưởng chỉ có được 300 em có mặt tham dự, 258 em học sinh còn lại là học sinh tại 6 điểm bản vì mưa to những ngày vừa qua khiến đường bị sạt đứt, nước suối dâng cao, với quãng đường núi 12km, các em không thể đi ra trường trung tâm để dự khai giảng cùng các bạn.
Được biết, 100% các trường của cụm Nậm Ngà đều đang trong tình trạng chưa có phòng, lớp học kiên cố, các em học sinh phải học ở các phòng học tạm. Mùa nắng đi lại đã rất khó khăn, vào mùa mưa việc đi lại vất vả hơn bội phần. Các giáo viên ở đây vẫn không ngừng nỗ lực để các em học sinh được đến lớp.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!