Ảnh minh họa. Ảnh: ĐCSVN
Hiện nay, trên cả nước vẫn còn hơn 1 triệu người trong độ tuổi từ 15 - 60 mù chữ mức độ 1 và hơn 2 triệu người mù chữ mức độ 2, tập trung chủ yếu là người dân tộc thiểu số, nữ giới. Vì vậy, nhiều tỉnh, thành phố đã tích cực vận động người mù chữ tham gia các lớp xóa mù chữ. Theo báo cáo của các Sở Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2022 - 2023, cả nước đã huy động được hơn 32.000 người học các lớp xóa mù chữ, tăng hơn 12.000 người so với năm học trước, góp phần duy trì bền vững thành quả công tác xóa mù chữ tại Việt Nam.
*Thêm 4 tỉnh nâng chuẩn xóa mù chữ từ mức độ 1 lên mức độ 2
Tại nước ta, hiện tỷ lệ người trong độ tuổi 15 - 60 biết chữ mức độ 1 và mức độ 2 lần lượt là gần 99% và hơn 97%. Cả 63/63 tỉnh, thành phố đều đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 48/63 tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (76,19%), trong đó có 4 tỉnh nâng chuẩn xóa mù chữ từ mức độ 1 lên mức độ 2 so với năm học trước là: Phú Yên, Kiên Giang, Sóc Trăng và Quảng Nam.
Cả nước còn 15 tỉnh chưa đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, gồm: Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Bình Phước, Tây Ninh, Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang và Cà Mau.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhằm duy trì kết quả xóa mù chữ và nâng chuẩn xóa mù chữ từ mức độ 1 lên mức độ 2, trong năm học 2022-2023, nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo đã tích cực chỉ đạo các trung tâm học tập cộng đồng, các trường tiểu học vận động người mù chữ ra các lớp xóa mù chữ như: Hà Giang (5.897 học viên), Lai Châu (5.176 học viên), Lào Cai (2.325 học viên), Yên Bái (2.088 học viên), Sơn La (2.303 học viên), Lạng Sơn (1.269 học viên), Thành phố Hồ Chí Minh (1.547 học viên), Điện Biên (1.416 học viên), Thừa Thiên - Huế (1.176 học viên)...
Nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã huy động được các lực lượng xã hội cùng tham gia công tác xóa mù chữ như ký kết các chương trình phối hợp với Công an tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về kế hoạch phối hợp tổ chức các lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân tại trại giam; ký kết chương trình phối hợp với Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh về đẩy mạnh công tác xóa mù chữ, củng cố kết quả phổ cập giáo dục Tiểu học; ký kết chương trình phối hợp với Hội Khuyến học về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, ký kết chương trình phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ về nâng cao chất lượng giáo dục và công tác xóa mù chữ...
Để thực hiện chương trình xóa mù chữ bảo đảm chất lượng, hiệu quả, các Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị được giao nhiệm vụ dạy xóa mù chữ căn cứ vào chương trình xóa mù chữ mới cùng các công văn hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng kế hoạch dạy học, sử dụng Bộ tài liệu Hướng dẫn dạy - học hiện hành; sử dụng nguồn lực sẵn có của địa phương (cơ sở vật chất, thiết bị của các trường học trên địa bàn, nhà văn hóa thôn xóm, trung tâm học tập cộng đồng…) để thực hiện chương trình xóa mù chữ.
Việc đổi mới phương pháp dạy xóa mù chữ được nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo quan tâm chỉ đạo. Một số Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về dạy chương trình xóa mù chữ như: Đồng Nai, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Cao Bằng, Kiên Giang, Gia Lai, Vĩnh Phúc, Sơn La, Yên Bái...
Một số Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện tốt thông tin, tuyên truyền về công tác xoá mù chữ cho người dân, nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sơn La đã có trên 300 tin, bài, phóng sự về công tác xóa mù chữ được đăng tải trên các ấn phẩm báo và phát trên đài phát thanh, truyền hình của tỉnh bằng tiếng phổ thông, tiếng Thái, tiếng Mông. Lạng Sơn đã trang bị 200 trang điện tử cho 200 trung tâm học tập cộng đồng, ban hành quy chế và các văn bản hướng dẫn khai thác, sử dụng trang điện tử, tổ chức 2 đợt tập huấn bồi dưỡng công tác sử dụng, quản lí vận hành trang thông tin điện tử lưu trữ cơ sở dữ liệu xoá mù chữ cho 400 học viên; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Lạng Sơn xây dựng 2 video tuyên truyền về công tác xoá mù chữ, ban hành kế hoạch, thể lệ cuộc thi Tuyên truyền viên xóa mù chữ giỏi.
Nhờ đó, những thành quả của công cuộc xóa mù chữ đã được duy trì bền vững và có bước phát triển trong năm học vừa qua, dần ngăn chặn được tình trạng tái mù chữ.
*Đảm bảo bước tiến vững chắc
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xoá mù chữ vẫn còn tồn tại một số khó khăn, chậm khắc phục. Nhiều địa phương hiện vẫn còn người mù chữ nhưng không huy động được ra học xóa mù chữ như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Tuyên Quang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, An Giang.
Một số địa phương còn nhiều người mù chữ nhưng huy động được ít người ra học xóa như: Tiền Giang, Cà Mau, Đắk Lắk, Gia Lai, Thanh Hóa, Ninh Thuận.
Một số địa phương có tỷ lệ người mù chữ vẫn còn cao như: Ninh Thuận (10,52%), An Giang (7,30%), Lai Châu (6,11%), Thành phố Hồ Chí Minh (6,45%), Hà Giang (4,58%), Gia Lai (4,49%), Bắc Kạn (4,45%), Bình Phước (3,66%)…
Đề cập đến nguyên nhân của những vấn đề trên, ông Hoàng Đức Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng: Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cấp xã, cấp huyện, nhất là ở những xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn chưa thực sự chú trọng, quan tâm đến công tác xóa mù chữ. Đội ngũ cán bộ được phân công theo dõi về phổ cập giáo dục - xóa mù chữ không ổn định, thường xuyên thay đổi nên việc tiếp cận chỉ đạo thực hiện chưa thật đồng bộ và hiệu quả chưa cao.
Trong khi đó, người dân mù chữ chủ yếu ở độ tuổi lao động, là lao động chính trong gia đình, sống phân bố rải rác tại các xã, bản làng vùng sâu, vùng xa, kinh tế cơ bản còn khó khăn, thường đi làm ăn xa, nhận thức về tầm quan trọng của việc học chưa đầy đủ nên việc huy động họ ra lớp học xóa mù chữ và duy trì sĩ số để hoàn thành chương trình xóa mù chữ còn gặp khó khăn.
Do vậy, bước sang năm học 2023-2024, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra đối với giáo dục thường xuyên là tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện công tác xóa mù chữ.
Trong thời gian tới, để nâng cao dân trí, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cần tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ những người yếu thế, hết tuổi lao động, người nội trợ, người khuyết tật có điều kiện thuận lợi để học tập suốt đời. Những tấm gương người cao tuổi, trên 60, 70 tuổi vẫn hằng ngày cắp sách đến trường; thậm chí có những cụ ông, cụ bà ngoài 80 tuổi vẫn miệt mài học tập để hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, học lên đại học… cần được lan tỏa trong xã hội để mỗi cá nhân vượt qua chính mình, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu học tập suốt đời.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phát động Phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030". Chương trình này góp phần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!