Ảnh minh họa.
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 đã khép lại sau hơn 2,5 ngày thi. Với cách tổ chức thi và ra đề hoàn toàn mới, kỳ thi năm nay đã tạo nên những bước thay đổi căn bản, khoa học, hiệu quả hơn mà không căng thẳng đối với thí sinh. Tuy vậy, còn một số vấn đề cần rút kinh nghiệm để kỳ thi năm sau hiệu quả hơn.
Trong những ngày diễn ra kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, điều dễ nhận thấy là thí sinh dự thi với tâm lý thoải mái, tự tin hơn vì các em đi thi giống như đi học hàng ngày. Phía ngoài điểm thi cũng không còn cảnh phụ huynh "vật vờ", "đội nắng đội mưa" mong ngóng, chờ đợi, hoặc lỉnh kỉnh đồ đạc chờ con như những kỳ thi trước. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày thi đã không còn tái diễn cảnh bến xe quá tải, nhà trọ đắt đỏ, chật chội hay ùn tắc giao thông.
Để đạt được điều đó là do năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho các địa phương chủ trì tổ chức cụm thi THPT Quốc gia. Các điểm thi đều được Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương đặt tại các trường hoặc liên trường THPT ở các quận, huyện tùy theo điều kiện thực tế.
Với hơn 2.300 điểm thi được bố trí rải đều ở các quận, huyện, thị xã nên thí sinh đến điểm thi rất thuận lợi, không gặp khó khăn gì trong việc đi lại, nghỉ ngơi trong các ngày thi. Gia đình thí sinh cũng không phải chuẩn bị kinh phí để đưa các em đi thi, vừa tốn kém, vừa mệt mỏi mà dành nhiều thời gian để chăm lo sức khỏe cho con trong những ngày thi.
Một điểm đổi mới trong kỳ thi này là việc tổ chức các môn thi thành 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và hai bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, đã rút ngắn thời gian thi xuống còn 2,5 ngày thay vì 4 ngày như những năm trước, giảm tốn kém cho thí sinh và xã hội.
Các môn đều thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan (trừ môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận) chính là phương thức hiệu quả để ngăn chặn tình trạng quay cóp, gian lận và tiêu cực khác trong phòng thi. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi năm nay chỉ có 72 thí sinh bị đình chỉ thi, trong khi năm 2016 có trên 300 thí sinh bị đình chỉ thi.
Thí sinh Hoàng Văn Bình, đã tốt nghiệp THPT năm 2013, năm nay thi lại tại điểm thi trường THPT Lạng Giang số 1, tỉnh Bắc Giang nhận xét: "Thi trắc nghiệm thì kiến thức rộng hơn, học nhiều hơn. Với môn tự luận không phải nhớ nhiều kiểu máy móc. Trong phòng thi em thấy bình thường, không quá căng thẳng. Khi thi tự luận thì vẫn còn hỏi bài, nhưng khi thi trắc nghiệm thì không hỏi được vì mỗi người một đề, đề khá dài nên là không có thời gian để trao đổi. Nhiều người học tủ, một câu có thể trúng, nhưng em thấy trắc nghiệm trải dài kiến thức nên khó học tủ được".
Do phương thức thi thay đổi nên thí sinh chỉ cần nắm vững kiến thức trong chương trình phổ thông và ôn tập tại trường nên không cần đến các "lò" luyện thi như trước. Tình trạng học sinh đi học thêm, luyện thi tràn lan vốn gây bức xúc trong dư luận xã hội vì thế cũng giảm hẳn. Các câu hỏi trong đề thi cũng có sự phân hóa rõ ràng, giúp các trường đại học, cao đẳng thuận lợi trong xét tuyển.
Tuy nhiên, kỳ thi THPT Quốc gia năm nay còn bộc lộ một số hạn chế. Đó là sai sót trong khâu sao in 7 mã đề trong môn Vật lý của bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên. Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát hiện lỗi và in kèm đính chính phát cho thí sinh cùng với đề thi chính nhưng tâm lý của thí sinh vẫn rất lo lắng.
Thí sinh Hoàng Minh Quang, trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) nói: "Sai sót đề thi gây mất tinh thần cho học sinh, lo lắng là lúc chấm bài sẽ có sai sót. Em thi 3 môn liên tiếp liền trong 3 tiếng cũng khá mệt. Môn khoa học tự nhiên có nhiều câu là bài tập chứ không phải lý thuyết đơn thuần cho nên cũng phải tính toán, tập trung đầu óc nhiều".
Một số địa phương có số thí sinh dự thi đông đã bố trí điểm thi ở trường trung học cơ sở, bàn ghế không phù hợp khiến nhiều thí sinh gặp khó trong những ngày thi. Do bố trí phòng thi riêng cho các thí sinh hệ giáo dục thường xuyên và thí sinh tự do nên nhiều phòng thi có rất ít thí sinh, có nơi chỉ một vài thí sinh nên gây lãng phí về nhân lực và cơ sở vật chất...
Theo đánh giá chung, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 đã đạt được mục tiêu của ngành Giáo dục - Đào tạo, của thí sinh và của cả xã hội đó là giảm nhẹ áp lực thi cử, giảm tốn kém nhưng tăng tính khách quan, công bằng. Đây là kỳ thi nhẹ nhàng, êm ả nhất trong nhiều năm qua. Tuy vậy, dư luận vẫn lo lắng khi chưa thấy tính ổn định, hay đúng hơn là một lộ trình thi cử dài hơi, để thí sinh và cả nhà trường yên tâm lo việc dạy và học.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!