Ảnh minh họa.
Chiều 12/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa chính thức công bố Chương trình dự thảo giáo dục phổ thông tổng thể.
Mục tiêu của đổi mới này nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp, góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất, năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ, phát huy tốt vai trò tiềm năng của mỗi học sinh.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết, chương trình giáo dục mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, tạo môi trường học tập, rèn luyện giúp người học tích lũy được kiến thức phổ thông vững chắc, biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tăng cường khả năng tự học, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú.
Sẽ có nhiều môn học mới
Theo dự thảo, các môn học được xây dựng theo hướng tích hợp cao ở những lớp dưới, phân hóa dần ở lớp trên, gồm 4 nhóm:
Môn học bắt buộc là môn học mọi học sinh phải học;
Môn học bắt buộc có phân hóa được thiết kế thành chủ đề, có chủ đề mọi học sinh phải học, có chủ đề học sinh được tự chọn theo nguyện vọng và điều kiện đáp ứng của cơ sở;
Môn học tự chọn là môn học sinh được quyền lựa chọn phù hợp với sở thích, sở trường, định hướng nghề nghiệp;
Môn học tự chọn bắt buộc là môn học học sinh bắt buộc phải lựa chọn trong nhóm các môn học quy định có tính định hướng nghề nghiệp ở lớp 11 và 12.
Đặc biệt, trong chương trình sẽ có một số môn mới như Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu công nghệ, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Đối với bậc THCS và THPT sẽ có một số môn mới như Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Với bậc THPT có môn Giáo dục kinh tế và Pháp luật. Ngoài ra, tiếng dân tộc thiểu số và ngoại ngữ 2 cũng được đưa vào nhóm môn học tự chọn trong chương trình giáo dục mới.
Giải thích rõ hơn về những môn học này, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho biết những môn học mới trong hệ thống môn học không chỉ khác về tên gọi mà còn khác cả nội hàm. Sự khác biệt so với chương trình hiện hành là nội dung môn học sẽ gần gũi, thiết thực, tăng tính thực hành, ứng dụng.
Cụ thể, môn Hoạt động trải nghiệm sáng tạo thực chất là thực hành, vận dụng các kiến thức, nghiên cứu vào các hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng. Do đó học sinh không chỉ học về lý thuyết mà cần thực sự chú trọng vào thực hành.
Hoạt động trải nghiệm sáng tạo có tính tích hợp, học sinh không chỉ vận dụng kiến thức, kỹ năng tốt của một môn mà còn cần vận dụng những kiến thức thực tế trong đời sống để giải quyết vấn đề.
Để thực hiện những thay đổi trong chương trình, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết Bộ đang đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ giáo viên sao cho phù hợp với hướng đào tạo tích hợp. Với những giáo viên đang giảng dạy sẽ được cử đi đào tạo lại để có khả năng giảng dạy chương trình mới.
Học sinh sẽ không cần thi tốt nghiệp?
Một trong điểm mới của dự thảo là thay đổi cách đánh giá. Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết, hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao cho Vụ Trung học, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, phối hợp với Ban phát triển Chương trình Giáo dục phổ thông nghiên cứu, đề xuất lộ trình đổi mới xét tốt nghiệp THPT khi chương trình này được triển khai. Đồng thời, Bộ cũng khẳng định từ nay đến năm 2020, sẽ ổn định hình thức thi THPT quốc gia.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong cách đánh giá mới, để được cấp bằng tốt nghiệp THPT, học sinh không phải trải qua kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay mà việc xét tốt nghiệp sẽ phụ thuộc vào đánh giá định kỳ do Sở Giáo dục tổ chức thực hiện. Học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp THPT.
"Các trường có thể giao cho học sinh các đề án nghiên cứu. Khi nào làm tốt các đề án nghiên cứu như vậy thì học sinh được điểm tốt, tích lũy đủ điểm thì tốt nghiệp, chứ không phải nhất thiết thi như hiện nay", Giáo sư Thuyết giải thích thêm.
Riêng việc đánh giá trên diện rộng cấp quốc gia, cấp địa phương sẽ chỉ được thực hiện để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục. Các kỳ đánh giá diện rộng này sẽ được tổ chức bởi các tổ chức kiểm định chất lượng cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngoài hai hình thức trên, dự thảo cũng đề cập đến việc đánh giá thường xuyên, do giáo viên phụ trách môn học tổ chức thực hiện. Việc đánh giá này sẽ dựa trên kết quả đánh giá của giáo viên, của phụ huynh học sinh, của bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác trong tổ, trong lớp.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, trước những biến chuyển sâu sắc của xã hội, việc đổi mới giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trang bị cho các thế hệ tương lai nền tảng văn hóa vững chắc và năng lực thích ứng cao trước mọi biến động của thiên nhiên và xã hội là nhu cầu mang tính toàn cầu. Trong đó, để đổi mới căn bản cách dạy và học, việc thi cử, đánh giá cũng cần được điều chỉnh để đạt được hiệu quả cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!