Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP Hồ Chí Minh: Đề môn Ngữ văn "dễ thở" nhưng khó đạt điểm cao

N.M (t/h)-Thứ bảy, ngày 11/06/2022 13:12 GMT+7

VTV.vn - Đề thi năm nay vừa sức, không đánh đố học sinh. Chủ đề "Thông điệp của thời gian" khá hay, độ phân hóa của đề thi rất tốt. Dự kiến, phổ điểm trung bình từ 6-7 điểm.

Trong khi học sinh một số tỉnh thành đã hoàn thành kỳ thi tuyển sinh lớp 10, sáng 11/6, thí sinh ở TP Hồ Chí Minh mới chính thức bước vào môn thi đầu tiên. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2022 - 2023 với gần 73.000 chỉ tiêu, trong tổng số gần 94.000 thí sinh dự thi. Đây thực sự là một áp lực không nhỏ với các em, đặc biệt sau thời gian học trực tuyến.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP Hồ Chí Minh: Đề môn Ngữ văn dễ thở nhưng khó đạt điểm cao - Ảnh 1.

Các thí sinh kiểm tra, rà soát lại tên và số báo danh dự thi tại điểm thi trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (Quận 1). Ảnh: Hồng Giang - TTXVN

Từ sáng sớm, đã có khoảng 94.000 thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Sáng 11/6, các em sẽ thi môn đầu tiên là môn Ngữ văn thời gian làm bài là 120 phút. Đây là lần đầu tiên môn Ngữ văn và Toán sẽ được tính điểm hệ số 1, bằng với hệ số môn tiếng Anh.

Một số quy định mới của kỳ thi THPT quốc gia cũng được áp dụng với kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Để tránh gian lận nên các điểm thi đều bố trí khu vực riêng để học sinh gửi đồ cá nhân cho học sinh, cách xa ít nhất 25m so với phòng thi. Đa số phụ huynh và học sinh đã được phổ biến, hạn chế mang theo đồ dùng cá nhân vào điểm thi.

Mỗi hội đồng thi có 3 phòng dự trữ, có phòng riêng cho các em F0, ngành y tế phối hợp với ngành giáo dục để khi có sự cố gì thì phối hợp, kịp thời hỗ trợ các em tốt nhất.

Chiều 11/6 thí sinh sẽ thi môn tiếng Anh với thời gian ngắn hơn là 90 phút. Bài thi này đã được điều chỉnh hệ số ngang bằng với 2 môn Toán và Ngữ văn, vì vậy, được thí sinh kỳ vọng và đầu tư thời gian khá nhiều cho bài thi này.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP Hồ Chí Minh: Đề môn Ngữ văn dễ thở nhưng khó đạt điểm cao - Ảnh 2.

Mỗi thí sinh tại điểm thi trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (Quận 1) được bố trí ngồi 1 bàn nhằm hạn chế trường hợp gian lận. Ảnh: Hồng Giang - TTXVN

Sáng 11/6, học sinh lớp 9 tại TP Hồ Chí Minh hoàn tất bài thi môn Ngữ văn trong Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Nhiều thí sinh nhận xét đề năm nay khá nhẹ nhàng, "dễ thở", tuy nhiên không dễ lấy điểm cao.

Em Đào Quỳnh Thư, học sinh Trường Trung học Cơ sở Đống Đa (quận Bình Thạnh) cho biết, em khá bất ngờ với nội dung đề năm nay của môn Ngữ văn vì không rơi vào hình tượng người lính hoặc nét đẹp lao động như em và nhiều bạn học sinh khác dự đoán, mà lại có phần tập trung vào chủ đề "thời gian".

Tuy nhiên, theo Quỳnh Thư, đề khá "dễ thở" khi cho học sinh nhiều không gian để tư duy, sáng tạo. Đặc biệt, em rất thích câu hỏi nghị luận về "một cuốn sách giúp em hiểu thêm về chính mình". Quỳnh Thư dự đoán mình có thể sẽ đạt khoảng 7 điểm.

Em Nguyễn Nguyên Khang, thí sinh tại điểm thi Trường THCS Bàn Cờ (Quận 3), một trong những thí sinh ra sớm nhất tại điểm thi này chia sẻ, đề thi không quá khó nhưng mang tính suy luận và liên hệ nhiều vấn đề xã hội nên không dễ lấy điểm cao. Trong đó, em thích nhất phần văn liên quan bài "Sang thu" của nhà thơ Hữu Thỉnh. Nguyên Khang dự đoán mình được khoảng 7 điểm.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP Hồ Chí Minh: Đề môn Ngữ văn dễ thở nhưng khó đạt điểm cao - Ảnh 3.

Thí sinh tại điểm thi Trung học cơ sở Bàn Cờ (Quận 3) thực hiện điền thông tin cá nhân vào phiếu trước khi bắt đầu làm bài. Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Nhiều thí sinh ở các điểm thi khác cũng chung nhận xét đề thi năm nay khá "dễ thở". Nhiều em vui vẻ khoe với bố mẹ mình làm bài thi tốt, khiến phụ huynh đứng chờ các em cũng thở phào nhẹ nhõm.

Thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi, Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh nhận xét, cấu trúc đề thi năm nay có sự hòa trộn giữa đề thi năm 2019 và 2020 (theo trục chủ đề và đọc hiểu 2 văn bản). Chủ đề "Thông điệp của thời gian" khá hay, độ phân hóa của đề thi rất tốt. Do vậy, dự kiến kiến phổ điểm trung bình không cao, từ 6 - 7 điểm.

Về chi tiết, thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi nhận định, câu đọc hiểu lựa chọn ngữ liệu khá tốt. Câu hỏi số 4 của phần này đặt ra những lựa chọn giá trị học sinh phải cân nhắc. Tuy vậy, câu hỏi thứ 3, vốn ở mức thông hiểu, lại hỏi về thông điệp rút ra từ văn bản, thuộc dạng câu hỏi vận dụng. Do vậy mức độ tư duy cần cân chỉnh lại cho phù hợp với định hướng ra đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tốt hơn.

Ngoài ra, câu nghị luận xã hội đặt ra cho học sinh suy nghĩ về mối quan hệ giữa thời gian và sự trưởng thành. Đó có thể là mối quan hệ theo tỷ lệ thuận, nhưng cũng có những cá nhân dẫu phát triển về mặt thể chất nhưng chưa chắc trưởng thành về suy nghĩ. Nêu vấn đề để học sinh nhận thức sự phân biệt giữa "lớn thêm" và "trưởng thành" là một hướng đi rất hay và là một yêu cầu phân hóa rất tốt, dành điểm cao cho những học sinh biết tìm tòi, đào sâu suy nghĩ.

Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Ngữ văn Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Du (Quận 1) cũng nhìn nhận đề thi năm nay vừa sức, không đánh đố học sinh. Đề có cấu trúc và câu hỏi giống với các năm trước, điều này gần gũi với học sinh. Mặt khác, đề Ngữ văn năm nay không yêu cầu học sinh học thuộc lòng, điều này chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực. Do đó, với đề thi này rất có thể nhiều học sinh đạt điểm 7-8.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP Hồ Chí Minh: Đề môn Ngữ văn dễ thở nhưng khó đạt điểm cao - Ảnh 4.

Các thí sinh tại điểm thi trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (Quận 1). Ảnh: Hồng Giang - TTXVN

Nhận xét chi tiết về đề thi, thầy Võ Kim Bảo cho hay, với câu 1, các câu hỏi rõ ràng, rất dễ, học sinh trung bình, yếu cũng có thể làm được bài. Câu hỏi này không gây áp lực cho học sinh đã trải qua học tập trong hoàn cảnh dịch bệnh.

Nội dung của đề nhân văn, có tính giáo dục cao. Học sinh được thể hiện quan điểm, suy nghĩ cá nhân trong bài và đề cũng không áp đặt suy nghĩ của học sinh. Câu hỏi số 2 là dạng đề gần gũi và đã từng xuất hiện trong các kỳ thi trước. Câu hỏi này yêu cầu học sinh nhìn nhận, đánh giá vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau.

Với câu hỏi số 3 đề số 1, thầy Võ Kim Bảo chia sẻ, đa số học sinh sẽ phấn khởi khi đọc đề bởi vì bài thơ "Sang thu" của Hữu Thỉnh nằm trong chương trình học kỳ II, thêm vào đó học kỳ này học sinh được học trực tiếp và vừa thi học kỳ II xong nên các em còn nắm kỹ.

"Nếu đề thi ra ở nội dung ở học kỳ I, chắc chắn nhiều học sinh sẽ không tự tin như vậy. Tuy nhiên, yêu cầu liên hệ trong câu hỏi không dễ, điều này thể hiện rõ tính phân hóa. Học sinh phải nắm chắc nội dung cơ bản của từng tác phẩm hay chọn tác phẩm để liên hệ cũng cần cân nhắc kỹ, và khi viết để cho thấy bản thân hiểu vấn đề cũng không dễ. Phần liên hệ này có tỷ lệ số điểm không lớn", thầy Bảo nói.

Còn với câu hỏi số 3 trong đề số 2, theo thầy Võ Kim Bảo là dạng đề thi mở, cách ra đề cũng rất sáng tạo. Do đó, học sinh muốn làm tốt bài cần có thời gian đọc kỹ tác phẩm văn học. Trong đó, đề cũng yêu cầu học sinh phải nêu được suy nghĩ, trải nghiệm, đánh giá của bản thân về tác phẩm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước