Làm thế nào để sách giáo khoa không bị lãng phí?

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 15/06/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Sách giáo khoa không thể tái sử dụng gây lãng phí rất lớn, do đó cần tìm giải pháp để sách giáo khoa có thể sử dụng nhiều lần.

Năm học kết thúc, sách giáo khoa vừa dùng xong sẽ làm gì? Nếu như trước kia, cuộc sống khó khăn, các gia đình lại đông con, sách của anh chị dùng xong sẽ để lại cho các em.

Nhưng bây giờ, phần đông mỗi nhà chỉ có 1 đến 2 con, cuộc sống khá giả hơn nên có thể với nhiều gia đình, việc này không còn phổ biến. Nhất là 3 năm nay, khi áp dụng sách giáo khoa mới, những bộ sách không giống nhau nên việc sử dụng lại cũng gặp khó khăn, thực trạng lãng phí sách giáo khoa vì thế đang diễn ra.

Làm thế nào để sách giáo khoa không bị lãng phí? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: TTXVN

Sách giáo khoa cũ đang bị lãng phí

Khánh Linh vừa học xong lớp 3. Chị họ của Khánh Linh năm tới sẽ học lớp 3. Em muốn gửi sách về quê cho chị dùng lại. Tuy nhiên, chị lại học khác bộ sách nên không dùng được.

Sách giáo khoa mới hiện có bộ Kết nối tri thức với Cuộc sống, bộ Chân trời sáng tạo, bộ Cánh diều. Các trường có thể dùng một bộ, hoặc kết hợp cả 3 bộ này lại với nhau để dạy học theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Việc này nhằm đáp ứng dạy và học tốt nhất. Nhưng cũng vì thế mà nếu muốn sử dụng lại thì có thể môn này học sách giống nhau, môn kia lại học sách khác nhau. Học sinh cùng trường dùng lại sách của nhau là thuận tiện nhất. Chứ khác trường, người trong nhà, chưa chắc đã dùng lại được.

Một quyển sách Tiếng Anh có giá 98.000 đồng. Có lẽ, với nhiều gia đình cũng không thấm tháp gì. Nhưng với khoảng 18 triệu học sinh phổ thông, mỗi năm cả nước phải chi số tiền ít nhất là 3.000 tỷ đồng mua sách giáo khoa. Chỉ cần tiết kiệm 1/10 số tiền này thì với 300 tỷ đồng, ít nhất xây được 3 ngôi trường hiện đại. Tái sử dụng sách giáo khoa không chỉ tiết kiệm về tiền mà còn tiết kiệm tài nguyên gỗ, nước, điện, nhân công và giáo dục tinh thần tiết kiệm cho học sinh.

Đề xuất phương án hỗ trợ sách giáo khoa

Làm thế nào để sử dụng sách giáo khoa cho hiệu quả? Từ năm 2022, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khảo sát tại các địa phương để nghiên cứu phương án xây dựng các tủ sách giáo khoa trong các nhà trường. Từ các tủ sách này, hàng năm, học sinh mượn, học xong trả lại cho nhà trường để lớp sau học tiếp.

Sách sẽ được quay vòng đến khi hỏng, không dùng được nữa thì thôi. Vậy, kinh phí ở đâu để lập các tủ sách giáo khoa này? Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lên 3 phương án trình Chính phủ hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh phổ thông.

Với mức giá bình quân 200.000 đồng/bộ sách, Bộ GD-ĐT đưa ra 3 phương án ngân sách nhà nước hỗ trợ mua sách giáo khoa.

- Phương án 1: Nhà nước hỗ trợ 70% số học sinh chưa được hưởng chính sách. Kinh phí cần có là hơn 2.100 tỷ đồng. 30% học sinh còn lại có thu nhập khá trở lên tự mua sách.

- Phương án 2: Nhà nước hỗ trợ 50% số học sinh chưa được hưởng chính sách. Kinh phí nhà nước cần hỗ trợ là hơn 1.500 tỷ đồng.

- Phương án 3: Ngân sách nhà nước hỗ trợ số lượng học sinh có cha mẹ thuộc hộ cận nghèo. Số kinh phí dự kiến là hơn 107 tỷ đồng.

Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục xin ý kiến Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan về cân đối ngân sách, cơ chế hỗ trợ SGK cho học sinh mượn, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

Giá trị từ việc quyên góp sách giáo khoa cũ

Các phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh sẽ được xem xét lựa chọn và quyết định thực hiện trong thời gian tới. Còn ngay lúc này, có những người vì tiếc sách, vì thương những học sinh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa đã làm một công việc là đi quyên góp sách giáo khoa cũ.

Làm thế nào để sách giáo khoa không bị lãng phí? - Ảnh 2.

Nghỉ hè là lúc cô giáo Đào Thị Thu Thủy ở Trường Tiểu học Phúc Khoa, Tân Uyên, Lai Châu đi xin sách giáo khoa cũ. Cô dạy học trên Lai Châu. Mấy ngày nay về nhà em gái ở Hà Nội, cô kết hợp luôn việc xin rồi phân loại sách giáo khoa. Công việc này đã được thực hiện 10 năm nay.

Cô Thủy đăng thông tin trên mạng xã hội, vào các hội nhóm ủng hộ sách để kêu gọi mọi người tặng lại sách giáo khoa cũ. Sách sẽ được kiểm tra, dán lại gáy, bọc lại bìa. Quyển nào rách quá, bị vẽ bậy nhiều quá thì loại bỏ.

Từ việc làm của cô, các con, các cháu cũng học được tính chia sẻ và không lãng phí. Năm nay, Gia Nhi ở Long Biên, Hà Nội, lên lớp 6 thì đã 4 năm em thực hiện việc tặng sách của mình cho các bạn vùng cao. Vì được bố mẹ nhắc nhở ngay từ đầu là sách sẽ còn dùng lại nên em cố gắng không làm hỏng sách. Đây là việc khó với nhiều bạn, nhất là các học sinh còn nhỏ tuổi.

Anh Thành - một người được gọi vui là "cửu vạn sách" vì tích cực xây dựng các tủ sách miễn phí ở nông thôn. Quá trình đi đến hàng chục tỉnh, thành, anh đã nhận được nhiều lời đề nghị xin sách giáo khoa cũ. Cứ một quyển sách được tái sử dụng, không chỉ cho anh bài học về sự tiết kiệm mà còn là trách nhiệm xã hội.

Cô giáo Thủy chia sẻ, cứ tháng 8 là lúc bận rộn nhất. Các giáo viên đến nhà cô xin sách về cho học sinh của trường mình. Những quyển vở còn giấy trắng cũng được cắt ra rồi đóng mới. Mỗi bộ sách đến với những học sinh này lại được nhắc nhở giữ gìn tiếp, để dùng lại cho lớp sau. Các em nhận tri thức và nhận cả bài học về tình yêu thương, sự sẻ chia.

Hiện nay, nhiều nhà trường cũng đã phát động học sinh tặng lại sách giáo khoa cũ. Nếu hoạt động này trở nên thường xuyên thì sẽ tiết kiệm một khoản tiền rất lớn cho xã hội. Hy vọng ngay trong hè này, phong trào quyên góp sách giáo khoa cũ cho các nhà trường được lan tỏa. Và chúng ta sẽ có được rất nhiều giá trị từ công việc này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước