Ngày 15/2, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) do Thứ trưởng Ngô Thị Minh dẫn đầu đã có chuyến làm việc với tỉnh Thái Bình về hoạt động dạy học trực tiếp cho học sinh. Tại đây, đoàn đã đi kiểm tra thực tế tại một số trường học và có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh và ngành Giáo dục tỉnh Thái Bình.
Chủ động các phương án dạy học
Thông tin tại buổi làm việc, Giám đốc Sở GDĐT Thái Bình Nguyễn Viết Hiển cho biết, thời gian qua, hoạt động dạy học tại Thái Bình được thực hiện chủ yếu theo hình thức trực tiếp. Tuy nhiên, công tác dạy học thích ứng với tình hình dịch theo hướng dẫn của Bộ GDĐT luôn là nhiệm vụ quan trọng được địa phương rất chú trọng. Nếu xuất hiện F0 trong trường học, những nhóm lớp nào liên quan đến F0 thì mới chuyển sang học trực tuyến, các lớp khác vẫn học trực tiếp. Đó là một trong số những nội dung nằm trong phương án, kịch bản triển khai nhiệm vụ năm học trong bối cảnh dịch Covid-19.
Sở GDĐT đã chủ động, kịp thời hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng ít nhất 3 phương án dạy học phù hợp với tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 gồm: Dạy học trực tiếp; dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, học theo ca, thực hiện giãn cách; dạy học trực tuyến.
Đối với mỗi phương án, các trường đều chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, học liệu và bố trí thời gian thực hiện phù hợp với điều kiện của nhà trường. Tranh thủ tối đa thời gian an toàn về dịch bệnh để tổ chức dạy học trực tiếp, khuyến khích tổ chức dạy học nhiều hơn 6 buổi/tuần. Trong đó ưu tiên giảng dạy trực tiếp các nội dung cốt lõi theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, các nội dung thực hành, thí nghiệm và kết hợp ôn tập, củng cố những nội dung lí thuyết đã học trực tuyến.
Ưu tiên dạy học trực tuyến đối với các nội dung mang tính lý thuyết, có thể hướng dẫn học sinh khai thác sử dụng hiệu quả sách giáo khoa để học tập; thực hiện tốt việc tạo điều kiện học tập cho học sinh ở địa phương khác bị mắc kẹt tại Thái Bình; quan tâm hỗ trợ việc học tập cho học sinh của nhà trường hiện đang mắc kẹt ở địa phương khác. Ưu tiên việc kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tiếp, trường hợp đặc biệt tiến hành kiểm tra theo hình thức trực tuyến.
"Ngành giáo dục đã phối hợp với ngành y tế để ban hành hướng dẫn liên ngành về đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong trường học, trong đó có cách xử trí tình huống nếu phát hiện F0 trong cơ sở giáo dục.
Với bậc mầm non, tỷ lệ trẻ đến trường, nhất là trẻ dưới 36 tháng tuổi đã giảm so với trước đây. Nhân viên y tế trong các cơ sở giáo dục đang gặp khó khăn vì không có định biên. Các trường đang giao cho nhân viên của nhà trường kiêm nhiệm hoặc hợp đồng ngoài. Nếu kiêm nhiệm mà không có chuyên môn thì hiệu quả sẽ không cao. Địa phương mong muốn Bộ Y tế, Bộ GDĐT cần có hướng dẫn cụ thể hơn về vị trí nhân viên y tế trong trường học" - Giám đốc Sở GDĐT Thái Bình nói.
Phòng dịch tốt thì mới đón học sinh
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà cho hay, toàn huyện có 35 xã/thị trấn với 85 trường ở các cấp học. Dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng địa phương luôn chủ động các phương án ứng phó, nhất là trong các cơ sở giáo dục. Với những F0 là học sinh gần như không có triệu chứng, chủ yếu phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc. Tình hình dịch sẽ còn khó lường nên huyện càng phải nâng cao cảnh giác.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Trần Thị Bích Hằng trao đổi tại buổi làm việc với đoàn công tác Bộ GDĐT
Ngay từ đầu năm học, các trường học trong huyện đã triển khai học trực tiếp liên tục. Chỉ một số ít em bị F0 thì chuyển sang học trực tuyến. Huyện rất tập trung cho phòng chống dịch, tăng cường xã hội hóa thông qua các tổ chức xã hội như mặt trận tổ quốc, nhất là tiếp nhận tài trợ về vật tư. UBND huyện cũng yêu cầu ngành giáo dục phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để xây dựng các phương án, kịch bản phòng chống dịch trong trường học. Muốn dạy học trực tiếp thì công tác phòng dịch phải tốt.
Cô Nguyễn Thúy Điều, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thái Phương (huyện Hưng Hà) cho biết, hoạt động chăm sóc nuôi dạy trẻ vẫn diễn ra bình thường. Toàn trường có 404 trẻ ở 15 nhóm lớp; 32 cán bộ, giáo viên nhân viên. Từ đầu năm học, do diễn biến dịch phức tạp nên trường chỉ tổ chức khai giảng theo đơn vị lớp. Đồng thời, nhà trường tận dụng "thời gian vàng" học trực tiếp để xây dựng kế hoạch giáo dục theo nội dung cốt lõi, trọng tâm phù hợp với từng độ tuổi, phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch.
"Chúng tôi luôn chủ động các phương án dạy học trong tình hình diễn biến phức tạp, nhất là khi có F0, F1 trong nhà trường. Thực hiện chỉ đạo của Phòng GDĐT huyện, nhà trường đã xây dựng các video hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc, giáo dục trẻ trong thời gian các em nghỉ tại nhà. Hiện tại, nhà trường tổ chức bán trú cho 100% học sinh các lớp.
Ngoài ra, nhà trường cũng triển khai tập huấn cho cán bộ, giáo viên về cách xử lý tình huống nếu phát hiện F0, F1 trong trường. Trường đã bố trí một phòng cách ly y tế theo quy định. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền tới phụ huynh về phòng chống dịch thông qua nhóm Zalo lớp, loa truyền thanh. Trường đã mua sắm đầy đủ các thiết bị phòng dịch như khẩu trang y tế, máy đo thân nhiệt, nước sát khuẩn để sử dụng hàng ngày", cô Điều chia sẻ.
Không chủ quan, lơ là phòng dịch
Bà Trần Thị Bích Hằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình khẳng định: Địa phương sẽ tiếp tục bám sát nhiệm vụ , thực hiện phòng dịch trên tinh thần linh hoạt, không chủ quan và không hoang mang theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Đảm bảo an toàn, khoa học, chất lượng khi dạy học trực tiếp. Thực hiện tốt các bước xử lý khi phát hiện F0 trong nhà trường theo hướng phù hợp với thực tế.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh và ngành Giáo dục tỉnh Thái Bình
Trên cơ sở báo cáo, đề xuất của địa phương, Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh đánh giá cao vai trò chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện về công tác đón học sinh đi học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng dịch. Thứ trưởng đề nghị, ngành Giáo dục Thái Bình tiếp tục phối hợp tốt và chặt chẽ hơn nữa với chính quyền địa phương và ngành y tế trong công tác phòng chống dịch tại nhà trường.
Thứ trưởng lưu ý, việc ứng phó khi có F0 trong trường học cần thực hiện linh hoạt, ổn định về mặt tâm lý và không hoang mang. Công tác tiêm chủng cho học sinh các lứa tuổi cần có sự phối hợp chặt chẽ với phụ huynh. Công tác truyền thông giữa nhà trường và cha mẹ học sinh cần chú trọng. Phương án dạy học cần được tính đến theo hướng đa dạng, chủ động để có thể áp dụng trong bất cứ tình huống nào.
"Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh cũng cần được đặc biệt chú ý. Đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất phải được đồng bộ. Công tác tiêm vaccine cho học sinh phải được tiến hành nghiêm túc theo hướng dẫn của ngành y tế. Tập huấn cho các thầy cô tại trường về chuyên môn cũng như công tác truy vết, khoanh vùng khi có F0, F1. Việc test đại trà với học sinh không nên áp dụng cứng nhắc và xem xét đối tượng nào cần test mới thực hiện. Công tác phối hợp giữa ngành giáo dục với chính quyền địa phương phải thắt chặt để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ" - Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!