Nhiều phụ huynh cho con nghỉ học vì phản đối lớp mới xa nhà
Hơn 1 tháng qua, hơn 200 em nhỏ trong độ tuổi mầm non ở thôn Cẩm Trang, xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang không được đến trường. Nguyên nhân là do từ đầu năm học trước, khi điểm trường mới chuyển đi xa hơn, khiến nhiều gia đình đưa đón khó khăn. Sau hơn 1 năm góp ý với chính quyền địa phương nhưng chưa được giải quyết, các gia đình đành cho con nghỉ học ở nhà. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc nuôi dạy và học tập của các em nhỏ.
Ông Nguyễn Văn Hải (thôn Cẩm Trang, xã Mai Trung, Hiệp Hòa, Bắc Giang) sáng đưa cháu đi học, trưa đón về, sau đó lại lo cơm ăn, nước uống, không phải cho 1, mà 3 đứa cháu. Vốn đã xoay như chong chóng, đứa cháu bé nhất của ông Hải lại còn phải tới điểm trường cách nhà 3 km, không còn ngay trong thôn như trước, ngược đường, ngược lối với các anh chị.
"Mong muốn vẫn được học tại trường Mầm non số 2 tại khu Cẩm Trang này, để tiện đường cho người dân đưa đón", ông Nguyễn Văn Hải chia sẻ.
Hơn 1 tháng qua, hơn 200 em nhỏ trong độ tuổi mầm non ở thôn Cẩm Trang, xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang không được đến trường.
3 - 4 km nghe có vẻ không xa, nhưng với đặc thù đa phần cha mẹ các em đều là công nhân, bận trực ca kíp, nên người đón đưa chủ yếu là ông bà, đã cao tuổi, lại chỉ đi bộ hoặc xe đạp. Bởi vậy, không chỉ ông Hải, mà nhiều hộ dân khác ở thôn Cẩm Trang đã liên tục ý kiến với chính quyền xã, mong muốn cho con em mình được học mẫu giáo ngay tại điểm trường cũ, vốn nằm trong thôn. Thương thuyết bất thành, ngay từ năm 2022, một số gia đình đã cho con nghỉ học một thời gian vì khó sắp xếp việc đưa đón.
Trường Mầm non Mai Trung 2 có 3 điểm trường được đặt tại các thôn Mai Phong, Cẩm Trang và Nội Xuân, với tổng số học sinh là 446. Trong đó, riêng thôn Cẩm Trang có hơn 220 học sinh.
Nhiều ngày qua, những đứa trẻ buộc phải nghỉ học, ngơ ngác theo phụ huynh đi đấu tranh về chỗ học. Trong khi đó, bên trong cánh cổng trường học lại buồn thiu, vì vắng tiếng cười của trẻ. Nhà trường cũng có cái lý của mình khi phải điều chuyển một phần học sinh sang điểm trường khác.
"Nếu như bây giờ bố trí 225 học sinh/3 phòng học, chia bình quân là hơn 70 học sinh một lớp. Theo quy định trường mầm non, mỗi lớp quá tải hơn một nửa. Thực ra nhà trường chúng tôi không biết phải làm thế nào, mặc dù đã đến từng ngõ, gõ từng nhà để chia sẻ, vận động", bà Đặng Thị Thành, Hiệu trưởng Trường Mầm non Mai Trung số 2, xã Mai Trung, Hiệp Hòa, Bắc Giang, cho hay.
Các em nhỏ mong mỏi được đến trường. Đã bước sang tháng thứ 2, vì câu chuyện trường lớp mà phải trì hoãn nhu cầu cơ bản nhất của mỗi học sinh. Trong những ngày phải ở nhà, cháu trai ông Hải vẫn hàng ngày ríu rít cùng ông đưa đón các chị mình tới lớp…
Quy hoạch xây trường cần gắn với bối cảnh địa phương
Phụ huynh có cái khó của mình là trường lớp ở xa, các gia đình lại khó khăn, trong khi không mấy người có xe máy. Nhất là các nhà đông con, việc đón đưa vài trẻ cùng lúc, mỗi đứa một nơi, là chuyện cực nhọc và rủi ro.
Còn ở góc độ nhà trường cũng có cái khó là diện tích còn quá chật hẹp, nên phải chia bớt khối 5 tuổi sang điểm trường khác mới đảm bảo việc dạy học. Có thể thấy, vấn đề quy hoạch trường lớp, xây ở đâu cho phù hợp với nhu cầu và mật độ dân cư là bài toán chung của không ít địa phương, không riêng câu chuyện của thôn Cẩm Trang. Tuy nhiên, một vấn đề khác khiến bà con ở Cẩm Trang cảm thấy băn khoăn là chính quyền địa phương đã nắm bắt được nhu cầu cần xây thêm phòng học, nhưng lại lựa chọn tiến hành ở một nơi khác.
Điểm trường chính của trường mầm non Mai Trung số 2 nằm ở thôn Mai Phong. Điểm trường này trước đó vốn không quá tải, nhưng vào năm 2022 lại được xây thêm một tòa nhà 2 tầng với 6 phòng học mới. Mục đích là để đón một phần học sinh của điểm trường Cẩm Trang qua đây.
"Rất không hợp lý là vì sao? Vì một nơi quá đông học sinh, quá đông dân cư. Còn một nơi lại quá nhiều trường lớp mà lại không bàn với dân, để cho con em chúng tôi phải đi một quãng đường xa như thế", ông Hoàng Văn Đại, thôn Cẩm Trang, xã Mai Trung, Hiệp Hòa, Bắc Giang, chia sẻ.
Chính quyền xã lý giải với bà con rằng, chọn Mai Phong đơn giản là do thôn này nằm ở trung tâm và diện tích của điểm trường ở Cẩm Trang lúc đó không đủ xây dựng thêm các phòng học mới. Tuy nhiên, lý do này chưa đủ thuyết phục để các hộ gia đình phải chấp nhận khó khăn đưa trẻ đến trường.
Sau một thời gian dài đối thoại, cuối cùng chính quyền địa phương cũng đã cố gắng tìm ra một phương án mới để dung hòa các yêu cầu.
"Bà con không nhất trí thì UBND huyện nhất trí là cho học như cũ. Còn cháu nào có điều kiện mang ra khu chính thì nhà trường nhận bình thường. Còn không có điều kiện thì vẫn học tại đó. Chúng tôi sẽ làm xong thủ tục đầu tư, sớm nhất tết âm lịch sẽ khánh thành 2 phòng học", ông Ngô Văn Phương, Chủ tịch UBND Xã Mai Trung, Hiệp Hòa, Bắc Giang, nói.
Như vây, 2 phòng học mới ở Cẩm Trang sẽ được xây thêm, theo lời hứa của UBND huyện, với số vốn gần 3 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện cũng đang lập quy hoạch để xây dựng thêm điểm trường tiểu học mới ở trong thôn.
"Bổ sung quy hoạch kế hoạch sử dụng đất năm 2024 để đầu tư xây dựng, chuyển trường tiểu học ra vị trí mới. Trong năm 2024, nếu xây dựng xong trường tiểu học, như với 2 điểm trường sẽ đáp ứng tốt, lâu dài nhu cầu học tập của con em trên địa bàn thôn", ông Phạm Văn Nghị, Phó chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang, thông tin.
Qua câu chuyện tại thôn Cẩm Trang, những người làm quy hoạch cũng có thêm kinh nghiệm về việc phải nghiên cứu kỹ đặc thù địa lý và dân cư của từng địa bàn, tránh để một chủ trương tốt trong việc cải thiện cơ sở vật chất trường lớp lại trở thành mâu thuẫn với quyền lợi người dân.
Ngày 6/10 vừa qua, việc san ủi để lấy mặt bằng xây thêm phòng học mới ở thôn Cẩm Trang đã cơ bản hoàn thành. Trong cùng ngày, nhiều phụ huynh trong thôn đã cho con em đi học trở lại…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!