Một trong những điểm mới, cũng là mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông mới là phát huy năng lực và phẩm chất của học sinh. Đối với học sinh THPT, từ khi vào lớp 10, các em đã lựa chọn tổ hợp môn học theo sở trường và năng lực của bản thân, điều này cũng giúp ích trong việc hình thành định hướng nghề nghiệp trong tương lai của các em.
Theo quy định, ngoài 6 môn bắt buộc thì học sinh sẽ được chọn học 4 trong 9 môn tự chọn. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các trường chỉ tổ chức 7 môn học (do thiếu giáo viên môn năng khiếu và nghệ thuật). Các trường tổ chức các lớp học cố định để học sinh theo học trong suốt 3 năm học. Vì vậy, nhiều học sinh buộc phải lựa chọn học theo từng tổ hợp môn tự chọn của mỗi lớp mà trường đã tổ chức, thay vì các em được chọn học theo đúng môn học mà mình yêu thích.
Làm thế nào để bố trí được giáo viên và phòng học để đáp ứng được nguyện vọng của hàng ngàn học sinh theo những nhu cầu khác nhau, trong khi số giáo viên và số phòng học giới hạn. Mô hình lớp học "mở", hay là lớp học "động"; tại một số trường học ở TP Hồ Chí Minh tổ chức; đã tìm được lời giải cho câu hỏi khó này.
2h chiều, vừa học xong môn Âm nhạc, Học sinh Nguyễn Ngọc Hà - Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong - TP Hồ Chí Minh di chuyển qua tòa nhà khác để vào lớp học Hóa. Chiều nào cũng vậy, học sinh của ngôi trường này sẽ tham gia các lớp học mở để học môn tự chọn đã đăng ký.
Ngọc Hà cho biết: "Em học môn âm nhạc ở khu C và em chạy qua khu D để học môn hóa tự chọn. Các lớp học sẽ phân bổ khác nhau, là cơ hội để tụi em học những môn mình yêu thích, vừa có cơ hội được đi khắp trường để đến những phòng học khác nhau…
2 năm nay, thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, Toàn bộ học sinh khối lớp 10 và 11 trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong - TP Hồ Chí Minh đều được học đúng nguyện vọng khi đăng ký môn tự chọn. Trường bố trí giáo viên và phòng học dạy đủ 9 môn tự chọn. Học sinh không cần lựa chọn học tổ hợp môn nào, mà chỉ cần chọn 4 môn mình yêu thích, rồi sẽ được bố trí học tại các lớp học mở như vậy.
Học sinh Vũ Xuân Tiến cho biết: "Thay vì cứ phải ngồi ở một lớp ngồi yên một chỗ hoài cảm thấy khó chịu và không thoải mái thì em được đứng lên di chuyển mọi nơi, được gặp bạn bè, vận động cơ thể cho những cái tiết học tiếp theo". Còn em Nguyễn Trần Bảo Phúc lại chia sẻ: "Mô hình này đề cao được cá năng lực của học sinh, không chỉ là mặt học thức mà còn là năng lực ở bên trong của họ, chính con người của họ, ví dụ cơ bản như là nghệ thuật.
Hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh một số trường THPT có tổ chức mô hình lớp học "động" linh hoạt để học sinh chủ động lựa chọn môn học, theo mô hình này. Tuy nhiên, khó khăn là các trường khó tuyển giáo viên, đặc biệt một số môn hiếm như: âm nhạc, mỹ thuật, nên không dễ để các trường đáp ứng nguyện vọng của tất cả học sinh trong từng môn học…
Chia sẻ về vấn đề này, thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP Hồ Chí Minh cho biết: Học sinh rất thích môn nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) nhưng thực tế, có rất ít thầy cô được đào tạo ra để dạy môn đó ở bậc THPT …
Theo các trường, cá nhân hóa trong dạy và học tới từng học sinh, giúp phát huy năng lực phẩm chất của từng em. Tuy nhiên để nhân rộng mô hình này, cần có cơ chế tạo điều kiện để các trường kinh phí mời giáo viên thỉnh giảng giảng dạy đủ các môn học, đồng thời đẩy nhanh đào tạo và quy hoạch, phân bố nguồn giáo viên các môn học cho các trường ngay trong năm học mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!