Làm đồ dùng học tập - một công việc của mọi cô giáo mầm non. Chai lọ, giấy báo, cứ cái gì xin được, còn tái chế được là các cô tìm cách nghĩ ra đồ dùng mới cho học sinh. Nhiều khi làm trên trường không xong, phải mang về nhà làm tiếp, đấy là lúc có những câu chuyện hài hước.
Công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, mỗi tháng cô giáo Sa Thị Mơ (Trường Mầm non Tân Pheo, Đà Bắc, Hòa Bình) được trợ cấp 5 triệu đồng. Đây là lý do thu hút nhiều giáo viên về vùng khó. Nhưng sau 5 năm, khoản trợ cấp này sẽ hết. Đến giờ, với 19 năm trong nghề, lương của cô là hơn 8 triệu đồng.
Nhiều người cho rằng, vùng miền núi chẳng tiêu pha gì nhiều, giá cả lại rẻ nên lương 8-9 triệu là dư sống nhưng trên thực tế không như vậy.
Với giáo viên mầm non, thời gian làm việc luôn vượt qua 8 tiếng. Áp lực hơn chính là việc trông trẻ sao cho an toàn, chăm trẻ sao cho khéo. Các cô giáo chia sẻ, từ lúc phụ huynh đón con về đến sau 8h tối, không có cuộc điện thoại nào phản ánh của phụ huynh, mới có thể tạm an tâm.
Hiện nay mức lương khởi điểm của một giáo viên mới ra trường chỉ khoảng hơn 3 triệu đồng một tháng. Mức lương thấp là một trong những lý do dẫn đến vấn đề lớn hiện nay đó là tình trạng thiếu giáo viên.
Tính đến thời điểm này, số giáo viên mầm non, phổ thông công lập các cấp học còn thiếu hơn 94.700 giáo viên. Đặc biệt, thiếu giáo viên dạy các môn học mới được triển khai theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang gây ra nhiều khó khăn.
Thiếu giáo viên
Ảnh minh họa. Ảnh: Chinhphu.vn
Cô Đinh Thị Thu Hường là Phó Hiệu trưởng Trường THPT Mường Chiềng, Đà Bắc, Hòa Bình. Theo quy định, một tuần cô chỉ dạy tối đa 4 tiết để còn làm các công việc quản lý. Nhưng vì thiếu giáo viên, hiện mỗi tuần cô đang dạy tới 20 tiết, tức là gấp 5 lần quy định.
Giáo viên hiện tại đã thiếu. Nhưng năm học tới, khi lớp 10 sẽ có thêm 3 môn mới là: Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học, nhà trường sẽ càng gặp khó hơn. Thiếu giáo viên còn làm giảm đi cơ hội học tập của các em.
Hiện tỉnh Hòa Bình đang thiếu 1.419 giáo viên. Ngoài việc ký hợp đồng với giáo viên mới, tỉnh cũng có các giải pháp khác.
Trong năm nay, tỉnh Hòa Bình cũng sẽ tổ chức thi tuyển giáo viên và hy vọng sẽ thu hút được nhiều người có trình độ vào công tác ở lĩnh vực nghề nghiệp đặc biệt này.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ đã có phiên giải trình trước Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo viên mầm non, phổ thông". Các giải pháp đã được đưa ra để phần nào giải quyết hai vấn đề rất lớn là lương cho giáo viên cũng như tình trạng thiếu giáo viên.
Giải pháp tăng lương giáo viên
Những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên là:
- Do tăng quy mô dân số hàng năm theo tỷ lệ tăng tự nhiên.
- Công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu về giáo viên chưa sát với thực tế.
- Hầu hết các địa phương không giao bổ sung biên chế giáo viên, trong khi vẫn phải thực hiện 10% tinh giản biên chế.
- Chương trình GDPT 2018 có thêm một số môn học và hoạt động mới nên thiếu toàn bộ giáo viên để dạy các môn học này.
Trong năm học này, Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ xem xét, bổ sung 27.850 biên chế giáo viên. Vấn đề xã hội hóa giáo dục cũng được kiến nghị đẩy mạnh.
Đối với vấn đề tiền lương, đã có Nghị quyết 27 về chính sách tiền lương. Trước mắt, sẽ tính toán kỹ thang bảng lương, kiến nghị có thêm phụ cấp cho giáo viên mầm non, tiếp đến là giáo viên các bậc học khác.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng kiến nghị Chính phủ không tinh giản biên chế đối với cấp học mầm non, tiểu học vì chưa bố trí đủ giáo viên theo định mức. Kiến nghị Chính phủ cho phép các địa phương được hợp đồng giáo viên theo định mức, theo nhu cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!