Mái ấm của học sinh vùng cao

Theo Dân trí-Thứ hai, ngày 23/09/2019 06:00 GMT+7

Mô hình bán trú giúp học sinh vùng cao Quảng Ngãi được chăm sóc tốt hơn.

VTV.vn - Nhà bán trú được xem như mái ấm thứ hai của những học sinh vùng cao ở Quảng Ngãi.

Năm học này, những mái ấm ấy sẽ được đầu tư khang trang hơn cho các em yên tâm sinh hoạt, học tập.

Tan học, em Hồ Thị Nguyễn Dung (lớp 12, trường THPT Trà Bồng, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi) cùng bạn về nhà bán trú trong khuôn viên nhà trường. Từng em nhanh nhẹn cất cặp sách rồi cùng nhau vào bếp nấu ăn. Dù xa nhà nhưng Hồ Thị Nguyễn Dung và các bạn vẫn cảm thấy hạnh phúc vì các em đã xem trường học là nhà, thầy cô giáo là cha mẹ.

"Nhà em cách trường 27 km nên không thể đi về trong ngày. Mấy năm trước em phải ở trọ. Năm học này em được vào ở bán trú trong trường. Không chỉ đỡ được chi phí ăn ở mà còn được gần gũi bạn bè, thầy cô giúp em học tập tốt hơn", em Dung chia sẻ.

Nhờ những nguồn vốn được phân bổ, trường THPT Trà Bồng đã đầu tư khu bán trú khá khang trang với 8 phòng. Mỗi phòng có đầy đủ nhà tắm, vệ sinh khép kín. Khu nhà bán trú này là nơi ăn ở, học tập của hơn 100 học sinh. Không chỉ đỡ tiền thuê trọ, ở nhà bán trú còn tạo điều kiện thuận lợi để các em học tập tốt hơn.

Tại trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Lâm, một trong những nơi khó khăn nhất của huyện Trà Bồng, việc xây dựng nhà bán trú giúp trường hạn chế được tình trạng học sinh thường xuyên vắng học, giảm số học sinh bỏ học.

Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Lâm, cô Võ Thị Ngọc Thủy cho biết, khu bán trú của trường có 90 học sinh. Để đảm bảo việc ăn ở cho các em, nhà trường đã thuê nhân viên nấu ăn, phân công giáo viên chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát chất lượng các bữa ăn. Đồng thời, giáo viên nhà trường thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các em ôn bài.

"Hình thức bán trú giúp những học sinh ở khu vực xa xôi, hẻo lánh an tâm đến trường. Ở trường, các em được chăm sóc đầy đủ, được giáo viên giúp đỡ thường xuyên nên nhiều em học tập tốt hơn", cô Thủy cho biết.

Theo kế hoạch, đến năm 2020, toàn tỉnh thành lập 39 trường Phổ thông Dân tộc bán trú. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí nên hiện nay mới chỉ thành lập được 23 trường. Một số khu bán trú của các điểm trường vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu ở bán trú của học sinh.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Văn Phu - Giám đốc Sở GD - ĐT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, năm học 2019 - 2020, ngành Giáo dục tỉnh Quảng Ngãi được phân bổ 35 tỷ đồng, trong đó Bộ GD & ĐT hỗ trợ 26 tỷ đồng, vốn đối ứng của tỉnh gần 9 tỷ đồng để nâng cấp nhà bán trú cho học sinh vùng cao. Nguồn vốn này sẽ phần nào giải quyết được những khó khăn trong thời gian qua.

"Nguồn vốn này sẽ được chúng tôi sử dụng hiệu quả để mua sắm đồ dùng cho học sinh ở bán trú, tu sửa lại nhà bán trú xuống cấp. Những khu bán trú được nâng cấp khang trang, đầy đủ hơn sẽ góp phần hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục ở miền núi", ông Phu nói.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước