Một phần do giao thông cách trở, phần do các làng bản cách xa trường nên những năm qua, học sinh bán trú là con em của đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa tỉnh Kon Tum xin ở ghép trong nhà dân. Nhiều em phải vượt rừng lội suối nhiều tiếng đồng hồ để trở về nhà. Không có nơi bán trú kéo dài nhiều năm qua đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục của học sinh và ngành giáo dục tỉnh này.
Suốt những tháng hè vừa qua, một trong những xã vùng cao của Kon Tum là xã Đắk Sao – vùng đặc biệt khó khăn của huyện Tu Mơ Rông, chính quyền địa phương cùng với phụ huynh học sinh đã chung tay làm được 5 phòng ở và dựng bếp ăn cho con em mình. Dù chỉ là tạm bợ, nhưng từ này các em không phải cắt rừng lội suối để trở về nhà sau những buổi tan trường.
Vận động các nguồn lực lo chỗ ăn, chỗ ở cho học sinh đang là cuộc chạy đua của các địa phương miền núi tỉnh Kon Tum trước khi năm học mới bắt đầu, với hy vọng từ đây nhiều học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao ở Kon Tum sẽ yên tâm hơn trong việc học. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng giáo dục thì còn nhiều việc phải làm.