Mô hình Thư viện thân thiện giúp học sinh hình thành thói quen đọc sách

Theo TTXVN-Thứ hai, ngày 26/11/2018 06:00 GMT+7

Học sinh Trường Tiểu học Trường Đông A đọc sách tại thư viện.

VTV.vn - Mô hình Thư viện thân thiện đã góp phần giúp học sinh cấp tiểu học chăm đọc sách hơn và hình thành kĩ năng học tập suốt đời.

Mô hình Thư viện thân thiện do Tổ chức Room to Read (một tổ chức phi chính phủ, có văn phòng tại Hoa Kỳ) tài trợ tại 222 trường tiểu học ở 12 tỉnh, thành của Việt Nam từ đầu năm 2017 đến nay, với hơn một triệu đầu sách, truyện thiếu nhi, đã góp phần giúp học sinh cấp tiểu học chăm đọc sách hơn và hình thành kĩ năng học tập suốt đời.

Tại tỉnh Tây Ninh, bắt đầu từ năm 2017, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với Tổ chức Room to Read để triển khai Dự án thư viện thân thiện cho 10 trường tiểu học tại hai huyện Dương Minh Châu và Hòa Thành.

Thực tế mô hình Thư viện thân thiện đã thay đổi hoàn toàn về hình ảnh của thư viện truyền thống trong nhà trường. Từ những kho chứa sách ban đầu, thư viện đã thay đổi, được mở rộng về diện tích, thiết kế sáng tạo, đẹp mắt, tạo ra một không gian, môi trường đọc sách thân thiện với học sinh. Các loại đồ dùng thiết bị được trang bị đầy đủ, đáp ứng tốt nhất cho việc đọc của trẻ như: giá, kệ, giỏ đựng sách, bàn ghế phục vụ việc đọc, thảm xốp trải phòng, hệ thống bảng biểu... Việc bố trí hợp lý đã tạo nên không gian thân thiện, gần gũi. Ngoài ra, quy trình mượn sách cũng đơn giản hơn rất nhiều để khuyến khích các em chủ động mượn sách.

Em Phạm Quỳnh Anh, 9 tuổi học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Trường Đông A (xã Trường Đông, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) tỏ ra khá thích thú cho biết, hằng ngày em thường hay rủ các bạn cùng lớp lên thư viện để mượn sách về nhà đọc. Em đã học được rất nhiều những bài học quý trong sách.

Em Nguyễn Phan Hồng Minh, 9 tuổi học sinh lớp 4B, Trường Tiểu học Trường Đông A (xã Trường Đông, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) cho biết, em đã tham gia mượn sách từ năm học lớp 2 và hằng ngày đến giờ ra chơi em thường lên thư viện để mượn những quyển sách hay, thú vị như Trạng Quỷnh, Cậu Bé Rồng… từ đó em rút ra được bài học là mình phải cố gắng thông minh như Trạng Quỷnh.

Thông qua hoạt động đọc sách tại thư viện và mượn sách về nhà, thư viện thân thiện góp phần hỗ trợ học sinh phát triển ngôn ngữ, rèn kĩ năng giao tiếp và cải thiện chất lượng học Tiếng Việt, đặc biệt đối với những vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thú vị hơn, không chỉ đọc sách, thư viện còn có nhiều góc hoạt động như vẽ tranh, tiết học thân thiện.

Thầy Lê Minh Trí, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trường Đông A tỏ ra khá tâm đắc về mô hình Thư viện thân thiện. Thầy cho biết, hiện tại trường đang ở vùng quê chưa được tiếp cận với các trò giải trí nên mô hình Thư viện thân thiện là một giải pháp, một sân chơi hữu ích cho các em. Nguồn sách mà Tổ chức Room to Read cung cấp nhà trường rất phong phú (4.375 đầu sách), nội dung sách được chọn lọc rất kỹ, phù hợp với trình độ từng học sinh các lớp và được chia theo mỗi màu từ lớp 1 đến lớp 5, học sinh sẽ lựa chọn sách rất dễ dàng và tạo thói quen mỗi ngày các em đều lên thư viện để đọc sách.

Bàn về văn hóa đọc sách của người Việt Nam, thầy Trí cho biết, văn hóa đọc sách của học sinh không bị mai một mà chủ yếu là do các em không có sách để đọc. "Trường tôi có một mẩu chuyện rất vui, một em học sinh đi tham quan, ba mẹ cho tiền không ăn gì hết mà lẳng lặng vào cửa hàng mua một quyển sách để đọc. Hỏi ra mới biết em rất thích đọc sách. Là người quản lý, tôi thấy mừng vì học trò mình có thói quen đọc sách", thầy Trí chia sẻ.

Thầy Lê Hoàng Cương, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh đánh giá rất cao hiệu quả mô hình Thư viện thân thiện mang lại cho học sinh tiểu học. Thầy cho biết, trong năm 2018, Tây Ninh tiếp tục nhân rộng mô hình Thư viện thân thiện lên 24 trường tại 4 huyện là Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành và Bến Cầu. Nhận thấy mô hình hiệu quả nên Tây Ninh đang triển khai nhân rộng thêm 9 trường ngoài dự án.

Số liệu khảo sát của Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ Giáo dục và Đào tạo sau 2 năm thực hiện cho thấy 12 tỉnh tham gia thí điểm mô hình Thư viện thân thiện tại các trường Tiểu học đều đạt được kết quả khá cao; theo đó, đã giúp hình thành thói quen đọc sách cho hơn 83% số học sinh; giúp phát triển kĩ năng đọc viết, kỹ năng sống, hỗ trợ học tập các môn học khác là hơn 66%... Thực tiễn triển khai cho thấy, học sinh khá thích đến thư viện thân thiện hơn, thích đọc sách hơn. Trong bối cảnh văn hóa đọc đang có nguy cơ mai một, việc phát triển thói quen đọc của thư viện thân thiện là một việc làm rất cần thiết và có ý nghĩa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước