Năm 2022, 16.000 giáo viên nghỉ việc

PV-Thứ bảy, ngày 01/10/2022 06:44 GMT+7

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội

VTV.vn - Đây là thông tin Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đưa ra tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Hà Đông, Hà Nội trước kỳ họp thứ tư của Quốc hội khóa XV.

Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 15, ngày 30/9, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cùng các Đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 6, thành phố Hà Nội đã dự hội nghị Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tại địa bàn huyện Thanh Oai và quận Hà Đông.

Một trong những vấn đề được cử tri quan tâm và đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải đáp chi tiết là về tình trạng thiếu giáo viên. Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, năm 2022, cả nước có 16.000 giáo viên bỏ việc, trung bình cứ 100 nhà giáo có 1 người ra khỏi ngành. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, hiện cả nước có 1,6 triệu giáo viên, thiếu khoảng hơn 100.000. Vừa qua, Bộ Chính trị, Chính phủ đã duyệt cho ngành từ nay đến 2025 được tuyển trên 64.000 biên chế, đáp ứng được một phần quan trọng nhu cầu, trong đó, riêng năm 2022 ngành được được duyệt chỉ tiêu hơn 27.000 giáo viên. Dù vậy, chỉ trong năm 2022, tổng số giáo viên bỏ việc trên cả nước là trên 16.000 người.

Theo Bộ trưởng Sơn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu giáo viên. Và để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, Bộ trưởng Sơn cho biết sẽ kiến nghị trung ương cho tăng chỉ tiêu biên chế, hiện đã được giải quyết một phần. Ngành Giáo dục đang thực hiện cơ chế đặt hàng các trường sư phạm, tính toán số chỉ tiêu đào tạo sinh viên để đủ nhu cầu các tỉnh, thành, đặc biệt giáo viên các môn học mới. Cùng với đó, một số nơi đang vận dụng nhiều giải pháp, như huy động giáo viên có chuyên môn để dạy các môn thiếu giáo viên, như giáo viên Toán dạy Tin học...

Ngoài ra, ngành cũng cải thiện môi trường làm việc, nâng cao trình độ chuyên môn với tinh thần hỗ trợ tối đa, giúp giáo viên yên tâm làm việc. Tuy đã được quan tâm, nhưng do giáo viên đang chiếm gần 70% tổng số công chức, viên chức cả nước nên việc nâng lương không thể "một sớm, một chiều giải quyết được".

Năm 2022, 16.000 giáo viên nghỉ việc - Ảnh 1.

Quang cảnh cuộc tiếp xúc cử tri quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Tại cuộc tiếp xúc, các vấn đề cử tri huyện Thanh Oai và quận Hà Đông cũng gửi đến Đại biểu Quốc hội tập trung vào các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; vấn đề ô nhiễm môi trường; tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn; công tác xây dựng luật, đất đai, phòng chống tham nhũng; chế độ chính sách với y bác sĩ, giáo viên; chế độ chính sách cho cán bộ Hội người cao tuổi, Hội nạn nhân chất độc da cam, cán bộ cấp xã; một số vấn đề liên quan đến giáo dục và đào tạo…

Thay mặt Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 6, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận, tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri để chuyển đến các đơn vị chức năng có trách nhiệm để giải đáp, xử lý.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đã phản hồi cử tri về một số vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo như việc triển khai đổi mới giáo dục phổ thông - thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có vấn đề xã hội biên soạn sách giáo khoa, sự đáp ứng của đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình; chính sách cho nhà giáo…

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV sẽ khai mạc vào 20/10/2022 và dự kiến bế mạc vào 18/11/2022. Dự kiến, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết; cho ý kiến 7 dự án luật; xem xét các báo cáo về vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác… Trong đó, 2 luật có tác động lớn đến đời sống nhân dân, đời sống xã hội được Bộ trưởng nhấn mạnh là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi).


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước