Một trường trung học ở Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng hình thức "xử phạt" mới cho học sinh: Nếu vi phạm nội quy, các em sẽ phải lên thư viện tự chọn một cuốn sách "hạt giống tâm hồn" để đọc sau đó viết cảm nhận. Thông tin này ngay lập tức thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Và các luồng ý kiến chia thành hai phe, người ủng hộ cũng nhiều, mà băn khoăn cũng không ít.
Sáng kiến mới
Tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh). Học sinh khi vi phạm nội quy, thay vì viết kiểm điểm, chép phạt, lao động công ích… nay sẽ đổi cách khác: lên thư viện, tự chọn một cuốn trong tủ sách "Hạt giống tâm hồn" để đọc và viết cảm nhận.
Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường Bùi Thị Xuân trả lời trên nhiều tờ báo, cho biết việc viết kiểm điểm, báo phụ huynh, hoặc là bắt lao động công ích đã áp dụng lâu nay. Nhưng hiệu quả chưa thể hiện rõ. Lại có nguy cơ tai nạn lao động. Cho các em đọc một cuốn sách hạt giống tâm hồn, người con hiếu thảo, hay về những tấm gương đạo đức... và viết cảm nhận, để giáo dục một nhân cách sống cho học sinh.
"Thông qua hình thức này, nhà trường muốn gửi đến hai thông điệp: Thứ nhất là hình thành văn hoá đọc trong các em, ngoài ra, việc đọc một cuốn sách hay giúp các em có một sự lắng đọng trong tâm hồn, biết yêu thương nhiều hơn và từ đó giảm bớt những xung đột nơi học đường". Ông Phú cho hay.
"Hay quá, cách làm rất tuyệt vời"; "ủng hộ nhà trường"; "một hình phạt rất nhân văn và giàu tính giáo dục"…vv là những lời chia sẻ của nhiều phụ huynh trên các trang mạng xã hội về vấn đề này. Tuy nhiên, những băn khoăn cũng không ít.
"Được" đọc sách hay "bị" đọc sách
"Ở nhà, tôi rèn luyện cho con từ nhỏ thói quen đọc sách và truyện tranh có tính giáo dục, và coi đó như một quyền lợi. Hôm nào bé không hoàn thành tốt việc nhà, ăn uống vệ sinh trễ giờ, cháu sẽ bị phạt không được đọc sách. Mỗi lần thế bé rất tiếc nuối. Nay nếu đến trường, đọc sách lại trở thành một hình phạt thì e rằng sẽ tạo tâm lý ngược cho cháu chăng?" Chị Ngọc Linh, một phụ huynh băn khoăn.
Điều này không hoàn toàn vô lý. "Hiệu ứng Westerners", được Nhà tâm lý học Westerners đưa ra và lý giải bằng một câu chuyện ngụ ngôn: Đám trẻ thường chơi đùa làm ồn trước nhà một ông lão. Muốn đuổi chúng đi, ông phát kẹo cho lũ trẻ và yêu cầu chúng đến đây chơi mỗi ngày để được thưởng kẹo. Sau một thời gian, ông giảm bớt số kẹo và rồi không phát nữa. Lũ trẻ bực mình và tuyên bố sẽ không đến đây chơi nữa.
Bà Nguyễn Như Bình, một giáo viên đã nghỉ hưu, chia sẻ với VTV.VN: "Đọc sách bắt buộc, dưới sự giám sát của giáo viên, có thể giúp trẻ có được tri thức và thông tin hữu ích cùng những bài học trong đó. Nhưng ranh giới giữa chủ động và bị động tiếp thu là rất khó phân định. Nếu là một đứa trẻ ham đọc hoặc thích thư viện. Liệu chúng có cố tình vi phạm nội quy? Hoặc ít nhất là coi thường nội quy, bởi "hình phạt" này hóa ra lại là "phần thưởng". Còn nếu đứa trẻ không thích đọc sách, việc bị phạt thế này, càng khiến chúng chán ghét và rời xa văn hóa đọc. Trong khi việc về nhà lên mạng tham khảo, tìm kiếm những thông tin review các cuốn sách bây giờ quá dễ dàng. Còn bắt học sinh phải đọc rồi làm ngay tại trường thì sẽ ảnh hưởng thời gian học chính thức, tăng thêm áp lực học hành vốn đã tương đối nặng ở cấp THPT".
Đương nhiên, đây mới được biết đến là chủ trương ở một, hoặc một số trường học, chưa phải tất cả. Thế nên việc cách làm này có được nhân rộng hay không có lẽ cần thời gian kiểm chứng và đánh giá. Theo nhiều phụ huynh và giáo viên, có lẽ nên kết hợp nhiều hình thức "phạt" học sinh cho phù hợp, mà đọc sách, có thể chỉ là một trong nhiều cách để tương hỗ nhau, tạo hiệu ứng tốt nhất cho học sinh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!