Gần đây, nhiều ý kiến cho rằng trẻ tiếp xúc với ngoại ngữ càng sớm càng tốt. Vì thế, ở các thành phố lớn, nhiều ông bố bà mẹ đã chạy theo trào lưu, đầu tư cho con học tiếng Anh từ rất sớm (thậm chí chưa đến 1 tuổi), với suy nghĩ trẻ sẽ nói được tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ.
Ảnh có tính chất minh họa.
Là một giáo viên đứng lớp lâu năm, qua kinh nghiệm thực tế và trải nghiệm cá nhân, Thạc sĩ giáo dục Đinh Thu Hồng, chuyên ngành dạy Tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2 (ESL- English as Second Language) - hiện là giáo viên tiểu học tại bang Georgia, Mỹ cho rằng, nên cho trẻ tiếp xúc với ngoại ngữ khi cả trẻ và bố mẹ thực sự sẵn sàng về phương pháp cũng như nhận thức. Quan trọng là sự đồng hành cùng con từ phía bố mẹ, dù học ngoại ngữ hay học bất cứ thứ gì hay môn gì khác.
Chị Thu Hồng nhắn nhủ với phụ huynh: "Hãy cứ bình tĩnh sống, yêu thương và chăm con. Hãy cứ cho con tắm trong môi trường ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam. Vậy đã đủ bận lắm rồi. Đừng vì thấy mọi người xung quanh ai cũng cho con đi học tiếng Anh mà mình phải cho con học tiếng Anh. Môi trường văn hóa và ngôn ngữ nơi các bé sinh ra là nền tảng vững chắc cho sự phát triển trí tuệ của con về sau, cho nhiều mặt".
Thạc sĩ Giáo dục Đinh Thu Hồng, chuyên ngành dạy Tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2 (ESL- English as Second Language) - hiện là giáo viên tiểu học tại Mỹ.
Nên cho trẻ bắt đầu học tiếng Anh khi nào?
Trả lời câu hỏi này, ThS Thu Hồng khẳng định: "Hãy cho các bé học tiếng Việt trước đã, đọc thông viết thạo tiếng Việt đã". Chị Hồng lý giải :
Thứ nhất, tiếng Việt (tiếng mẹ đẻ) là ngôn ngữ nền tảng, là hệ quy chiếu khi các em học tiếng Anh hay ngôn ngữ thứ hai.
Thứ hai, những gì các em học được ở tiếng mẹ đẻ sẽ là kiến thức nền tuyệt vời khi học tiếng Anh cũng như những kiến thức học thuật khác của ngôn ngữ thứ hai.
Nhiều nghiên cứu khoa học khẳng định, việc kiến thức ở tiếng mẹ đẻ sẽ chuyển đổi và ảnh hưởng tích cực đến việc tiếp nhận và học ngôn ngữ thứ hai. Tức là học tiếng Việt và kiến thức bằng tiếng Việt giỏi thì việc học tiếng Anh và kiến thức bằng tiếng Anh cũng dễ dàng thuận lợi hơn rất nhiều.
Thứ ba, ở bên Mỹ, những ai ủng hộ việc giữ và học tiếng mẹ đẻ luôn nhắc các em và bố mẹ các em học sinh nhập cư vào Mỹ phải giữ tiếng mẹ đẻ ở nhà, đọc truyện hay giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ với các em ở nhà. Ở trường học, những cô giáo dạy ESL (tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai) đều nhấn mạnh điều này mỗi ngày.
Thứ tư, biết thêm 1 thứ tiếng có lợi cho sự phát triển trí tuệ của các em hay ELLs (ELL: English Language Learners, ở đây là các bạn học sinh sinh ra và lớn lên ở Việt Nam và một phần các bạn sinh ra ở nước ngoài mà có cả 2 bố mẹ người Việt).
"Mình ở Việt Nam, tội gì mình không để các con học và thỏa sức vẫy vùng bằng tiếng mẹ đẻ" - chị Hồng nhấn mạnh.
Thứ năm, các phụ huynh đừng lo áp lực cạnh tranh, hay sợ con qua mất độ tuổi /giai đoạn vàng để học tiếng Anh. Lứa tuổi lý tưởng theo nhiều nghiên cứu khoa học là trước khi các em dậy thì (reach their puberty), tức là trước khi các em 12-15 tuổi.
Theo ThS Thu Hồng, độ tuổi tốt nhất để các em bắt đầu là sau lớp 2, trước lớp 5, tức là từ 7- 10 tuổi. Lúc đó các em đã đọc thông viết thạo tiếng Việt, đã có những kiến thức nền nhất định.
Cuối cùng, chị Hồng kể lại cuộc nói chuyện ngắn giữa chị với bà Sue Grisko - người đã có kinh nghiệm 22 năm, là nhà tư vấn và chuyên gia hàng đầu về dạy đọc tại Hoa Kỳ. Bà là người viết nhiều chương trình và sách, tài liệu về dạy đọc. Khi hỏi về nguồn tài liệu cho trẻ em Việt Nam học tiếng Anh, câu đầu tiên bà hỏi lại chị Hồng là "Các bạn nhỏ đó đã biết tiếng Việt rồi chứ?".
"Thế đấy, tiếng Việt giỏi đã, rồi hãy nghĩ đến tiếng Anh" - chị Hồng kết lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!