Nên thi đánh giá năng lực hay xét tuyển đại học dựa vào điểm học bạ?

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 16/02/2023 06:09 GMT+7

VTV.vn - Năm nay, ít nhất có 9 kỳ thi tuyển sinh riêng để vào đại học, liệu có hay không tình trạng thí sinh học lệch để thi tuyển?

Đỗ đại học là ước mơ của rất nhiều các bạn học sinh sau 12 năm nỗ lực trên ghế nhà trường. Từ năm 2015, học sinh chỉ cần tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT sau đó, kết quả sẽ được dùng để xét tuyển vào Đại học. Đây được coi là bước tiến để giảm tải việc học lệch, ôn luyện lò thi… vừa lãng phí, vừa áp lực cho học sinh cuối cấp. Thế nhưng, hiện nay, ngày càng nhiều trường tự tổ chức các kỳ thi riêng để lấy kết quả đó xét tuyển vào đại học.

Trường Đại học Khoa học về Công nghệ Hà Nội tuyển sinh theo 2 phương thức: Xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực do trường tự tổ chức, xét tuyển thẳng theo đề án của trường. Tức là cả 2 phương thức đều do trường tự thực hiện, không sử dụng kết quả của đơn vị khác.

Tuy nhiên, sau khi đã đỗ được kỳ thi kiểm tra kiến thức của trường, thí sinh vẫn còn phải trải qua một kỳ phỏng vấn nữa, cũng do trường tự tổ chức.

Năm nay, ĐHQGHN tổ chức 8 đợt thi Đánh giá năng lực học sinh trung học phổ thông. Các đợt thi sẽ trải dài từ tháng 3 đến tháng 6. Nếu như năm ngoái, thí sinh có thể thoải mái đăng ký các đợt thi thì năm nay sẽ hạn chế. Mỗi thí sinh chỉ được đăng ký tối đa 2 lượt thi/năm. Hai lượt thi cách nhau tối thiểu 28 ngày. Lệ phí của một lượt thi là 500.000 đồng.

Từ năm ngoái, Bộ Công an cũng đã có một kỳ thi đánh giá riêng để tuyển sinh vào các học viện, trường công an nhân dân. Kỳ thi đánh giá của Bộ Công an dự kiến vào cuối tháng 6, đầu tháng 7, diễn ra sau khi thí sinh thi tốt nghiệp THPT.

Còn đối với trường Đại học Sư phạm Hà Nội, kỳ thi đánh giá năng lực 2023 sẽ diễn ra vào ngày 6/5. Kết quả kỳ thi này được sử dụng xét tuyển vào 8 trường sư phạm.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm ngoái, các trường dành hơn 30.000 chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi đánh giá năng lực, tư duy. Năm nay, bởi nhiều trường mở rộng quy mô tổ chức và dành thêm chỉ tiêu cho phương thức này, dự đoán số thí sinh vào đại học bằng cách này sẽ tăng so năm trước.

Với mức lệ phí thi từ 160.000 đến 500.000 đồng, một học sinh dự 2-3 kỳ thi đã tốn cả triệu đồng, chưa tính đi lại, ăn ở. Có học sinh muốn thi thử để kiểm tra vốn kiến thức, có thí sinh muốn thi để thêm cơ hội. Nhưng những thí sinh không có điều kiện, ở vùng sâu, vùng xa… lại không có cơ hội để tham gia.

Thi cử là nhằm mục đích phân loại, đánh giá và tuyển chọn những thí sinh phù hợp với yêu cầu, đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên kết quả của quá trình học tập cũng là một đánh giá không thể thiếu. Chính vì vậy, làm sao để vừa đảm bảo công bằng cho các thí sinh, làm sao để không có sai phạm không có gian lận trục lợi là vấn đề cấp thiết phải xử lý.

Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023 vừa qua, Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có kế hoạch, hướng dẫn tổ chức các kỳ thi và tuyển sinh năm 2023 đảm bảo công bằng, minh bạch. Một mùa thi đại học nữa lại đến gần, đây là lúc cần đưa ra quyết sách để các em học sinh có thể dựa vào đó quyết định hướng đi cho mình. Đó không chỉ là tương lai của các em học sinh mà còn là tương lai của xã hội.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo Đại học và Sau đại học, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước