Theo con số thống kê, hiện trên cả nước đang thiếu nhiều giáo viên các môn học mới ở khối lớp 3, lớp 10 như Tin học, Tiếng Anh, Nghệ thuật… Điều đó là một trong những lý do khiến sĩ số 1 lớp thường quá tải, lên tới trên 50 học sinh… Trước thềm năm học mới, nhà chức trách đã bổ sung 27.000 giáo viên, nhưng vẫn thừa cục bộ tới chục nghìn giáo viên. Vì sao lại xảy ra tình trạng này?
Trả lời cho câu chuyện thiếu giáo viên không còn là chuyện mới, nhưng vài năm qua vẫn tồn tại, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng điều này cần tới những dự báo dài hạn. Bên cạnh đó, nguyên nhân khách quan là bộ phận dân di cư tăng đột biến ở những thành phố lớn (ở các khu công nghiệp, khu chế xuất), cùng với đó là việc tăng dân số tự nhiên…
Trong khi đó, về nguyên nhân chủ quan, khách mời của chương trình Vấn đề hôm nay cho rằng lý do thiếu giáo viên là bởi việc dồn dịch các điểm trường. Bên cạnh đó, là việc phổ cập chương trình SGK mới, dẫn tới phát sinh một số môn học mới… Trong khi đó, sự chuẩn bị của các địa phương chưa theo kịp chương trình giáo dục mới.
PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa nhận định, không thể lấy số thừa cục bộ giáo viên kể trên (gần 10.000 trường hợp) để bổ khuyết cho chỗ thiếu vì "thừa chẳng thấm vào đâu so với thiếu". Bên cạnh đó, có những môn thừa giáo viên hoặc địa phương thừa giáo viên, nhưng theo phân cấp quản lý hiện tại, đó là quyền quản lý của cấp huyện. "Nếu các địa phương không có sự chỉ đạo, thống nhất, rất khó để phân bổ giáo viên từ chỗ thừa sang chỗ thiếu" - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết thêm.
Đâu là giải pháp cho thực trạng này? - Đó là một trong những vấn đề được đưa ra bàn luận trong chương trình Vấn đề hôm nay, phát sóng ngày 19/8/2022. Mời độc giả quan tâm theo dõi qua VIDEO:
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!