Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này như chế độ, chính sách cho giáo viên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống. Công tác bố trí, sắp xếp ở các địa phương chưa phù hợp dẫn đến nơi thừa, nơi thiếu giáo viên. Nhiều giáo viên hạn chế về chuyên môn, nhất là khi thực hiện chương trình giáo dục năm 2018. Toàn tỉnh mới có 87% số phòng học kiên cố hoá, cơ sở vật chất thiếu thốn.
Những điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác triển khai chương trình giáo dục phổ thông ở các cấp học trên địa bàn Thanh Hóa trước thềm năm học mới.
Ảnh minh họa: Báo Thanh Hóa
Cô giáo Lương Thị Liên - Hiệu trưởng Trường THCS Ái Thượng, huyện Bá Thước, Thanh Hóa chia sẻ: "Thực trạng thiếu giáo viên đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bố trí chuyên môn cho giáo viên trong trường. Chúng tôi không có giáo viên âm nhạc nên rất khó khăn trong việc hoàn thành chương trình. Hiện chỉ có một giáo viên Tiếng Anh nên giáo viên phải dạy căng số tiết so với định biên. Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng đang phải đảm nhận các bộ môn hợp lý đứng lớp".
Ông Lò Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, Thanh Hóa cho biết huyện Bá Thước thiếu khoảng 117 giáo viên nhưng để khắc phục tình trạng này cần chế độ chính sách. Huyện đề nghị UBND tỉnh xem xét bổ sung biên chế đáp ứng nhu cầu thực tế giảng dạy của địa phương, đề nghị Bộ GD&ĐT khi giao biên chế chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào cho các trường đại học cần bám sát nhu cầu thực tế tại các địa phương.
Thanh Hóa là địa phương thiếu giáo viên trầm trọng nhất cả nước. Mới đây, Bộ Chính trị đã quyết định bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên.
Sau đó, Bộ GD-ĐT cũng có văn bản hướng dẫn thực hiện quyết định này. Riêng tỉnh Thanh Hóa được bổ sung gần 1.700 giáo viên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!