Nhân tài “có đi, không có về”

Theo VOV-Thứ ba, ngày 05/01/2016 07:00 GMT+7

Văn Viết Đức - quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 15 (Ảnh: Tiền phong)

VTV.vn - Năm 2015 câu chuyện nhân tài “có đi, không có về” lại một lần nữa được đưa ra bàn thảo tại Quốc hội với nhiều trăn trở, nghĩ suy…

“Một đi không trở lại”?

Câu chuyện “chảy máu chất xám” lại nóng lên khi mà con số 12/13 quán quân của Đường lên đỉnh Olympia sau khi du học không trở về nước làm việc, được nêu ra. Tiếp đó là hàng loạt vụ kiện tụng xung quanh việc nhân tài ở Đà Nẵng đi du học bằng ngân sách Nhà nước rồi “một đi không trở lại”, hay một thạc sĩ Vật lý tốt nghiệp tại Pháp trượt viên chức tại Hà Nội. Và mới đây nhất là câu chuyện cựu thí sinh Olympia Doãn Minh Đăng ở Cần Thơ, hiện là giảng viên ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ bị kỷ luật và chuyển sang làm công tác thư viện vì... nói xấu trường trên facebook.

Chưa hết, vị Hiệu trưởng ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ chia sẻ trên báo chí là giảng viên Doãn Minh Đăng “có vấn đề thần kinh” khi từ chối vào diện quy hoạch lãnh đạo. Xung quanh câu chuyện lùm xùm giữa giảng viên Doãn Minh Đăng và ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ, nhiều người đã lại đặt ra câu hỏi trong vấn đề trọng dụng nhân tài đang nhức nhối hiện nay ở Việt Nam.

“Những điều mà phần đông xã hội đánh giá cao như tiền bạc, địa vị hay danh vọng lại không phải là mối quan tâm hàng đầu của những nhà khoa học chân chính. Điều họ cần là một môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp, cần những người cộng sự tốt và một cuộc sống đủ để tồn tại trong xã hội đầy phức tạp như ngày nay” - sinh viên Mai Đức Anh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại ĐH Truman State, Missouri, Mỹ - chia sẻ quan điểm.

Thực tế đó đã phần nào cho thấy những bất cập trong sử dụng và ứng xử với nhân tài hiện nay. Hàng loạt các câu hỏi được đặt ra: Nếu trở về, nhân tài sẽ làm việc ở đâu và môi trường làm việc như thế nào để phát huy khả năng? “Chính sách phát hiện, đào tạo và sử dụng nhân tài của Việt Nam còn chưa cụ thể, đồng bộ.

Mặt khác, công tác bồi dưỡng, hướng đạo cho các tài năng trẻ còn hạn chế. Nhiều du học sinh có khát vọng trở về cống hiến cho nước nhà nhưng chưa nhận được sự giúp đỡ cần thiết. Họ rất băn khoăn khi về nước sẽ phải gặp ai, tổ chức nào để có cơ hội mang tri thức phục vụ đất nước?” - PGS. TS Nguyễn Đức Khương, giảng viên ĐH Thương mại Paris, Pháp.

Quá ít sân chơi khoa học

Thực tế, hiện cả nước có hơn 4,2 triệu người có trình độ từ CĐ, ĐH trở lên, trong đó có hơn 24.000 tiến sĩ; 101.000 thạc sĩ; số người trực tiếp làm công tác nghiên cứu và phát triển là trên 62.000 người. Ngoài ra, còn có hơn 100.000 du học sinh, 300.000 trí thức kiều bào ở nước ngoài. Đây là lực lượng tiềm năng được đào tạo bài bản và được rèn luyện trong môi trường nghiên cứu khoa học và công nghệ trình độ cao.

Tuy nhiên, xét về hiệu quả, Việt Nam chưa có nhiều công trình, sản phẩm khoa học công nghệ mang tính đột phá ở tầm khu vực và trên thế giới. Cụ thể, số lượng bài báo, công trình khoa học công bố quốc tế của Việt Nam trong 5 năm 2008 - 2012 là 6.356, kém Thái Lan 4 lần; kém Singapore 7 lần, Nhật Bản 57 lần và Hoa Kỳ 256 lần.

Mổ xẻ nguyên nhân chảy máu chất xám, có thể thấy rằng lợi ích về vật chất không phải là lý do cơ bản. “Hầu hết các nhà khoa học hàng đầu chọn sang Mỹ làm việc vì ở đó họ có các đồng nghiệp, những người có cùng mối quan tâm, cùng hợp tác nghiên cứu. Ở đó họ được bao học bởi môi trường làm việc học thuật, phát huy được tối đa khả năng sáng tạo và năng lực nghiên cứu của mình”.

PGS. Lê Anh Vinh - người nhận bằng tiến sĩ của ĐH Harvard khi mới 27 tuổi và được vinh danh PGS trẻ nhất Việt Nam năm 2013, hiện là Giám đốc TT Nghiên cứu và ứng dụng Khoa học giáo dục lý giải.

TS Vũ Thị Ngân, giảng viên ĐH Quy Nhơn kiến nghị thêm, nên cho các tiến sĩ trẻ tốt nghiệp ở nước ngoài thêm một thời gian thực hành để nâng cao bản lĩnh nghiên cứu. Bởi theo TS Ngân, nếu tốt nghiệp rồi về nước ngay, họ lại rơi vào môi trường thiếu điều kiện. Chưa kể, nếu cứ vào biên chế Nhà nước, xuất phát điểm với tấm bằng đại học thì lương cứng chưa quá 3 triệu/tháng! Hơn nữa, họ khó có thể vượt qua kỳ thi công chức vô cùng rối rắm, nhiêu khê?!

Thiếu những lộ trình cụ thể…

Từng có thời gian học tập tại Nhật Bản, TS Nguyễn Thiên Tạo chia sẻ, quốc gia này có chính sách ngoại giao khoa học rất thành công. Họ thành lập ủy ban liên kết với các nước để chia sẻ, lưu thông nguồn lực khoa học. Nếu điều này thực hiện được ở Việt Nam, các trí thức du học về nước sẽ không phải lo môi trường học thuật không đủ đáp ứng năng lực của họ.

Vì thế, cần có các chính sách sử dụng và trọng dụng hiệu quả để phát huy năng lực của nguồn nhân lực KH&CN trong nước và thu hút, trọng dụng cán bộ khoa học giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài, nghiên cứu sinh Việt Nam học tập ở nước ngoài về nước làm việc.

“Việc quan trọng nhất là cải thiện cơ chế, chính sách. Nếu cơ chế chính sách không tốt, chúng ta có thể tăng lương gấp 100 lần cũng chưa chắc tạo ra hiệu quả” - Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết.

Tài năng trẻ nói chung, nhà khoa học trẻ, trí thức trẻ nói riêng là niềm tự hào của dân tộc và là nguồn nguyên khí quan trọng để phát triển đất nước. Các chính sách, sự quan tâm tin tưởng vào người trẻ của các cấp lãnh đạo chính là môi trường thuận lợi nhất để các tài năng trẻ phát huy được năng lực, trí tuệ của mình phụng sự nước nhà.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước